HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 03/2003/NQ-HĐTP
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 4 năm 2003
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 03/2003/NQ-HĐTP
NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC
GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ vào Luật tổ chức Toà
án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết
các vụ án hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một
số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi tắt
là Pháp lệnh);
QUYẾT NGHỊ:
1. Về quy định
"Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu"
"Người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại lần đầu" quy định tại Điều 2 Pháp lệnh là cơ quan hành
chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc người
đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra một trong những quyết định hành chính, quyết định
kỷ luật buộc thôi việc hoặc có một trong những hành vi hành chính quy định tại
Điều 11 Pháp lệnh.
2. Về quy định
tại Điều 2 Pháp lệnh
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh
thì khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà
Toà án căn cứ vào quy định tương ứng tại các điểm 3, 5 và 6 Điều 31 Pháp lệnh để
trả lại đơn kiện:
a. Người khởi kiện chưa khiếu nại
với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu;
b. Người khởi kiện đã khiếu nại
với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng chưa hết thời hạn
giải quyết khiếu nại lần đầu và cũng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần
đầu;
c. Chưa có quyết định giải quyết
khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
d. Đã khiếu nại đến người có thẩm
quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo và đã có quyết định giải quyết khiếu nại của
người đó.
3. Quyết định
hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành
chính
Quyết định hành chính là đối tượng
khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính phải là quyết định
hành chính lần đầu. Ngoài những quyết định hành chính được cơ quan hành chính
nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành lần
đầu trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể thuộc thẩm quyền của mình,
thì những quyết định hành chính sau đây cũng được coi là quyết định hành chính
lần đầu:
a. Sau khi ban hành quyết định
hành chính nhưng chưa có khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có
thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành quyết định hành chính
đó ban hành một quyết định hành chính khác thay thế quyết định hành chính trước,
thì quyết định mới được ban hành này là quyết định hành chính lần đầu;
b. Sau khi ban hành quyết định
hành chính nhưng chưa có khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có
thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành quyết định hành chính
đó ban hành một quyết định hành chính khác sửa đổi, bổ sung một số điểm của quyết
định hành chính trước, thì phần của quyết định hành chính trước không bị sửa đổi,
huỷ bỏ và quyết định sửa đổi, bổ sung một số điểm của quyết định hành chính trước
đều là quyết định hành chính lần đầu;
Cần lưu ý là đối với hai trường
hợp a và b trên đây nếu các quyết định sau được ban hành sau khi cơ quan hành
chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã nhận
được đơn khiếu nại và các quyết định đó là kết quả giải quyết khiếu nại, thì
các quyết định sau là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không phải là
quyết định hành chính lần đầu;
c. Sau khi người có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại tiếp theo hoặc Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ
án hành chính ra quyết định huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị
khiếu nại hoặc bị khởi kiện; giao cho cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có
thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước giải quyết lại vụ việc đối với phần
hoặc toàn bộ quyết định hành chính đã bị huỷ và kết quả giải quyết lại là cơ
quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà
nước đã ra quyết định hành chính mới, thì quyết định mới này là quyết định hành
chính lần đầu;
d. Người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại tiếp theo ngoài việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành
chính bị khiếu nại, còn quyết định về một hoặc một số vấn đề hoàn toàn mới chưa
có trong quyết định bị khiếu nại, thì phần quyết định về một hoặc một số vấn đề
hoàn toàn mới này là quyết định hành chính lần đầu.
Ví dụ: Khi xử lý vi phạm
hành chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính 400.000 đồng. Người bị xử phạt khiếu nại lần đầu và Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp xã giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. Người bị xử phạt
khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo là Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện. Kết quả giải quyết khiếu nại tiếp theo là Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện ngoài việc quyết định giữ nguyên quyết định xử phạt vi
phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, còn quyết định tịch thu
phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trong trường hợp này quyết định
của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tịch thu phương tiện được sử dụng để vi
phạm hành chính là quyết định hành chính lần đầu.
đ. Người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại tiếp theo ra quyết định huỷ quyết định hành chính do cơ quan hoặc người
ra quyết định đó không có thẩm quyền. Người có thẩm quyền ra quyết định hành
chính mới giải quyết vụ việc đó, thì quyết định mới này là quyết định hành
chính lần đầu.
Ví dụ: Khi xử lý vi phạm
hành chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính 10 triệu đồng và tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
có giá trị 5 triệu đồng. Người bị xử phạt khiếu nại lần đầu và Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp xã giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. Người bị xử
phạt khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo là Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Kết quả giải quyết khiếu nại tiếp theo là Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện quyết định huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính
của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã vì vi phạm thẩm quyền xử lý vi phạm hành
chính quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ vào Điều
29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới (có thể về nội dung cơ bản giống như
nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
xã). Trong trường hợp này quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp huyện là quyết định hành chính lần đầu.
4. Hành vi hành
chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính
Theo quy định tại điểm 2 Điều 4
và Điều 11 Pháp lệnh thì hành vi hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu
Toà án giải quyết vụ án hành chính bao gồm các hành vi của cơ quan hành chính
nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực
hiện nhiệm vụ, công vụ trong các việc hoặc các lĩnh vực được quy định tại các
điểm 2, 3, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 11 Pháp lệnh và trong các việc hoặc các lĩnh vực
khác mà pháp luật có quy định
5. Việc xác định
người bị kiện trong vụ án hành chính
Theo quy định tại điểm 6 Điều 4
Pháp lệnh thì người bị kiện là cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyết định
hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện;
do đó, để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan
nhà nước, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải
quyết vụ việc đó.
Ví dụ: Có hai quyết định
hành chính bị khiếu kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính và đều do
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký (một quyết định về xử phạt vi phạm hành
chính và một quyết định thu hồi đất của hộ gia đình). Căn cứ vào quy định của
pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc này thì người bị kiện trong vụ
án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính),
còn người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định thu hồi đất của
hộ gia đình là Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 24 và Điều 26 Luật Đất đai).
Cần chú ý là người có thẩm quyền
trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Điều 4 Pháp lệnh là người có chức
vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức
danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính.
Mặc dù một quyết định hành chính hoặc một hành vi hành chính do một người cụ thể
(ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị X...) ký hoặc thực hiện nhưng việc người đó ký
quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đó phải dưới danh nghĩa
một chức vụ, chức danh có thẩm quyền (ví dụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện...,
Trưởng Công an phường...); do đó, chỉ có thể gọi quyết định hành chính đó, hành
vi hành chính đó của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện..., của Trưởng Công an phường...;
mà không thể gọi quyết định hành chính đó, hành vi hành chính đó của một người
cụ thể (ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị X...). Vì vậy, trong trường hợp người ra
quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính đã chuyển công tác đi nơi khác
hoặc về hưu... mà quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó bị khiếu kiện,
thì người được bầu, được cử, được bổ nhiệm... thay chức vụ, chức danh của người
đó phải kế thừa quyền và nghĩa vụ, có nghĩa họ chính là người bị kiện.
6. Việc giải
quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính
Theo quy định tại Điều 3 (đoạn
1) Pháp lệnh thì người khởi kiện vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu đòi
bồi thường thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do có
quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hành vi hành
chính gây ra. Nếu người khởi kiện vụ án hành chính có yêu cầu đòi bồi thường
thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết Toà án
có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính
xác. Trong trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính có yêu cầu đòi bồi thường
thiệt hại chưa có thể cung cấp chứng cứ được, thì tách phần giải quyết yêu cầu
đòi bồi thường thiệt hại để giải quyết sau trong một vụ án dân sự khác theo thủ
tục chung khi đương sự có yêu cầu.
Ví dụ: Một người khiếu kiện
yêu cầu Toà án giải quyết huỷ bỏ quyết định hành chính tịch thu phương tiện được
sử dụng để vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do một
số bộ phận của phương tiện đó bị mất, bị hư hỏng hoặc thu nhập thực tế bị mất
do phương tiện đang bị giữ. Nếu Toà án xét thấy quyết định tịch thu phương tiện
được sử dụng để vi phạm hành chính là trái pháp luật và xét thấy yêu cầu đòi bồi
thường thiệt hại của người khiếu kiện là có căn cứ (do người khiếu kiện cung cấp
đấy đủ chứng cứ, có người làm chứng....), thì Toà án quyết định huỷ quyết định
hành chính đó, đồng thời quyết định về việc bồi thường thiệt hại; nếu người khiếu
kiện chưa chứng minh được phương tiện đó bị mất, bị hư hỏng những bộ phận nào,
thu nhập thực tế bị mất là những khoản nào, thì Toà án chỉ quyết định huỷ quyết
định hành chính đó và dành phần giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại để
giải quyết trong một vụ án dân sự khác theo thủ tục chung khi đương sự có yêu cầu.
7. Việc giải
quyết trong trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính,
quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện.
Theo quy định tại Điều 3 (đoạn
4) và Điều 20 Pháp lệnh thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính người bị
kiện có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc
thôi việc bị khiếu kiện; do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà
người bị kiện có quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định
kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện thì Toà án cần thông báo cho người khởi kiện
biết và cần phân biệt:
a. Nếu người khởi kiện đồng ý với
quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ đó và rút đơn kiện, thì Toà án căn cứ vào điểm b
khoản 1 Điều 41 Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án;
b. Nếu người khởi kiện không đồng
ý với quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ đó và không rút đơn kiện, thì Toà án tiếp
tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này Toà án phải xem
xét tính hợp pháp của quyết định bị khiếu kiện và quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ
quyết định bị khiếu kiện để tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà có quyết định
đúng pháp luật.
8. Về khái niệm
"công trình, vật kiến trúc kiên cố khác" quy định tại điểm 2 Điều 11
Pháp lệnh
a. "Công trình" phải
là vật chắc chắn, bền vững mà việc xây dựng nó công phu, phải có khoa học, kỹ
thuật hoặc nghệ thuật. Ví dụ: một bức tượng đài; một hệ thống phục vụ nuôi trồng
thuỷ sản...
b. "Vật kiến trúc kiên cố
khác" là ngoài nhà ở, công trình thì vật kiến trúc kiên cố khác phải 1à vật
được xây dựng chắc chắn và bền vững có giá trị sử dụng lâu dài.
Ví dụ: giếng nước, nhà để ôtô,
nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, nhà xưởng, kho tàng...
c. Không phân biệt giá trị nhà ở,
công trình, vật kiến trúc kiên cố khác từ bao nhiêu trở lên, nếu có khiếu kiện
quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc
tháo dỡ Toà án mới thụ lý giải quyết, mà chỉ cần xác định đúng đó là nhà ở,
công trình, vật kiến trúc kiên cố khác thì Toà án phải thụ lý giải quyết theo
thủ tục chung.
9. Về quyết định
hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
Quyết định hành chính, hành vi
hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại điểm 5 Điều 11 Pháp lệnh
bao gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại điểm 1 và 2
Điều 4 Pháp lệnh trong việc thực hiện nội dung quản lý đất đai quy định tại Điều
13 và các điều luật tương ứng khác của Luật Đất đai.
Quyết định của Uỷ ban nhân dân
giải quyết tranh chấp đất đai là quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất
đai và đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục chung.
10. Về quy định
tại điểm 7 Điều 11 Pháp lệnh
Khi thi hành quy định tại điểm 7
Điều 11 Pháp lệnh cần chú ý là Toà án chỉ có thẩm quyền giải quyết vụ án hành
chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc
trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản được ban hành hoặc thực hiện sau ngày
02/10/1991 (ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 297/CT).
11. Về quy định
tại điểm 10 Điều 11 Pháp lệnh
Quy định tại điểm 10 Điều 11
Pháp lệnh cần được hiểu là ngoài các vụ án hành chính quy định tại các điểm từ
điểm 1 đến điểm 9 Điều 11 Pháp lệnh, nếu trong một văn bản quy phạm pháp luật
nào đó có quy định việc khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của
pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đối với loại quyết định
hành chính, hành vi hành chính nào đó, thì khiếu kiện đối với quyết định hành
chính, hành vi hành chính đó là vụ án hành chính quy định tại điểm 10 Điều 11
Pháp lệnh và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục chung. Vì vậy,
khi có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm 1 đến điểm 9 Điều 11 Pháp
lệnh, thì Toà án cần kiểm tra xem đã có văn bản quy phạm pháp luật nào về lĩnh
vực đó quy định quyền khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó
theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hay
không. Nếu có văn bản quy phạm pháp luật quy định thì Toà án căn cứ vào điểm 10
Điều 11 Pháp lệnh và quy định tương ứng của văn bản quy phạm pháp luật đó để thụ
lý giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục chung; nếu chưa có văn bản quy phạm
pháp luật nào quy định thì Toà án căn cứ vào điểm 1 Điều 31 Pháp lệnh trả lại
đơn kiện cho người khởi kiện.
Theo quy định của một số văn bản
quy phạm pháp luật hiện hành đã tổng hợp được thì các khiếu kiện quyết định
hành chính, hành vi hành chính sau đây thuộc trường hợp quy định tại điểm 10 Điều
11 Pháp lệnh và là vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo
thủ tục chung:
a. Khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp
(trong việc cấp văn bằng bảo hộ, trong việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá
theo Thoả ước Madrid, trong việc công nhận nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng) hoặc
trong việc cấp li xăng không tự nguyện (Điều 27 và khoản 5 Điều 51 Nghị
định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công
nghiệp và đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày
01/02/2001 của Chính phủ);
b. Khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả (khoản
3, khoản 4 Điều 26 và Điều 33 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ
hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự);
c. Khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính trong việc phê duyệt Hợp đồng chuyển giao công nghệ
(Điều 36 Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01/07/ 1998 của Chính phủ quy định chi
tiết về chuyển giao công nghệ);
d. Khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính đối với việc từ chối công chứng, chứng thực không
đúng với quy định của pháp luật (Điều 69 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày
08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực);
đ. Khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi vi phạm pháp luật về hành chính của cơ quan hải quan, công chức
hải quan theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 54 Nghị định số
101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải
quan);
e. Khiếu kiện quyết định giải
quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quyết định giải quyết
khiếu nại của Chủ nhiệm hoặc Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật
sư đối với quyết định của Ban chủ nhiệm hoặc của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
của Đoàn luật sư (khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh Luật sư);
g. Khiếu kiện quyết định áp dụng
các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính (Điều 119 Pháp
lệnh Xử lý vi phạm hành chính).
12. Việc xác định
thẩm quyền của Toà án và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo
Để thi hành đúng quy định tại
khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh về thẩm quyền, trước hết cần xem xét quyết định hành
chính, hành vi hành chính đó liên quan đến một người hay nhiều người (từ hai
người trở lên). Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà việc xác định thẩm quyền giải quyết
của Toà án hay của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo được thực
hiện như sau:
a. Nếu quyết định hành chính,
hành vi hành chính đó chỉ có liên quan đến một người mà người đó vừa khởi kiện
vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại tiếp theo và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp
theo chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, thì việc giải quyết thuộc thẩm
quyền của Toà án. Toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời
thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo biết và yêu cầu
chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Toà án (nếu có). Nếu đến trước thời
điểm Toà án thụ lý vụ án đã có quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm
quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo, thì Toà án căn cứ vào điểm 6 Điều 31 Pháp
lệnh trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.
b. Nếu quyết định hành chính,
hành vi hành chính đó có liên quan đến nhiều người mà tất cả những người
đó đều khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, ngoài ra có người
hoặc tất cả những người đó vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại tiếp theo và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo chưa có quyết
định giải quyết khiếu nại, thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Toà án và
được thực hiện như trường hợp được hướng dẫn tại điểm a mục 12 này.
c. Nếu quyết định hành chính,
hành vi hành chính đó có liên quan đến nhiều người mà chỉ có một hoặc một số
người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, thì Toà án cần phân
biệt như sau:
- Trong trường hợp chỉ có một hoặc
một số người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, những người
khác còn lại không khởi kiện vụ án hành chính và cũng không khiếu nại đến người
có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền
của Toà án. Toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trong trường hợp chỉ có một hoặc
một số người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, những người
khác còn lại tuy không khởi kiện vụ án hành chính, nhưng lại khiếu nại đến người
có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền
của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo. Nếu Toà án chưa thụ lý
vụ án thì Toà án căn cứ vào điểm 6 Điều 31 Pháp lệnh trả lại đơn kiện
cho người khởi kiện; nếu Toà án đã thụ lý vụ án thì Toà án căn cứ vào điểm g
khoản 1 Điều 41 Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hành
chính và chuyển hồ sơ vụ án cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp
theo.
13. Việc giải
quyết trường hợp Toà án đã thụ lý giải quyết vụ án hành chính sai (do đây là vụ
án khác hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác)
Trong trường hợp Toà án đã thụ
lý giải quyết vụ án hành chính sai (do đây là vụ án khác hoặc thuộc thẩm quyền
giải quyết của Toà án khác) thì tuỳ trường hợp mà giải quyết như sau:
a. Nếu trong quá trình giải quyết
vụ án hành chính theo trình tự sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này
là thuộc thẩm quyền của mình, nhưng đây không phải là vụ án hành chính mà là vụ
án khác (dân sự, kinh tế, lao động) thì Toà án giải quyết lại vụ án theo thủ tục
chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó, đồng thời
thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết;
b. Nếu trong quá trình giải quyết
vụ án hành chính theo trình tự sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này
là thuộc thẩm quyền của Toà án khác, thì Toà án đã thụ lý vụ án căn cứ vào khoản
2 Điều 13 Pháp lệnh xoá sổ thụ lý, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền,
đổng thời thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết;
c. Nếu khi xét xử phúc thẩm vụ
án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a
và b mục 13 này, thì Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào điểm c Điều 64 Pháp lệnh
huỷ bản án, quyết định sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và
giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm
lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải
quyết vụ án đó;
d. Nếu khi xét xử giám đốc thẩm
hoặc tái thẩm vụ án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn
tại các điểm a và b mục 13 này, thì Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm căn
cứ vào điểm 3 Điều 72 Pháp lệnh huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm
quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung do pháp
luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó.
14. Việc xác định
thời điểm để tính thời hạn khởi kiện
Khi thi hành khoản 1 Điều 30
Pháp lệnh cần chú ý là trong trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính do
không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đâu thì chỉ cần người khởi
kiện làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính trong thời hạn 30 ngày
(đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì trong thời hạn 45 ngày), kể
từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không phụ thuộc
vào quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được ban hành vào thời điểm nào.
15. Về việc Viện
kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà
Khoản 3 Điều 43 và Điều 63 Pháp
lệnh quy định Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà hoặc phải có ý kiến bằng
văn bản đối với một số loại vụ án hành chính cụ thể, nay theo quy định tại điểm
3 Điều 21 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì khi kiểm sát việc giải quyết
vụ án hành chính, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: "Tham gia
các phiên toà và phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc giải
quyết vụ án"; do đó, từ nay trở đi sau khi thụ lý vụ án hành chính, Toà án
phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp
cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Nếu vắng mặt Kiểm sát viên, thì Toà án phải
hoãn phiên toà.
16. Về
các quyết định của Toà án trong bản án hành chính sơ thẩm Khoản 2 Điều 49 Pháp
lệnh quy định các nội đung chính của bản án.
Tuy nhiên điểm e khoản 2 này chỉ
quy định là "các quyết định của Toà án" mà không quy định cụ thể là
những quyết định nào. Khi xét xử vụ án hành chính tuỳ vào từng trường hợp cụ thể
mà Toà án có thể có một hoặc một số quyết định sau đây:
a. Bác yêu cầu của người khởi kiện,
nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;
b. Chấp nhận một phần hoặc toàn
bộ yêu cầu của người khởi kiện tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành
chính trái pháp luật; buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền
trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của
pháp luật;
c. Chấp nhận một phần hoặc toàn
bộ yêu cầu của người khởi kiện tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành
chính trái pháp luật; buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền
trong cơ quan hành chính nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;
d. Buộc cơ quan hành chính nhà
nước bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ
quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái
pháp luật gây ra;
đ. Chấp nhận yêu cầu của người
khởi kiện tuyên huỷ quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người
đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp
luật; buộc bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân
do quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật gây ra.
17. Việc đình
chỉ giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 62 Pháp lệnh
thì trước khi xét xử phúc thẩm, Toà án có quyền đình chỉ việc giải quyết vụ án
theo quy định của Pháp lệnh này. Đồng thời theo quy định tại điểm đ khoản
2 Điều 64 Pháp lệnh thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền: "Huỷ bản án, quyết
định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có một trong các trường hợp
quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh này"; do đó, để bảo đảm thống nhất thì
trước khi mở phiên toà phúc thẩm nếu có một trong các trường hợp quy định tại
Điều 41 Pháp lệnh, thì Toà án cấp phúc thẩm cũng phải thành lập Hội đồng xét xử,
nếu kết quả xét xử cho thấy đúng có một trong các trường hợp quy định tại Điều
41 Pháp lệnh thì Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm và
đình chỉ việc giải quyết vụ án. Cần chú ý là nếu huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ
việc giải quyết vụ án, thì Toà án cấp phúc thẩm ra bản án phúc thẩm; nếu huỷ
quyết định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án, thì Toà án cấp phúc thẩm
ra quyết định phúc thẩm.
18. Về hiệu lực
thi hành của Nghị quyết
a. Nghị quyết này được Hội đồng
Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 18 tháng 4 năm 2003 và có hiệu
lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những hướng dẫn của Toà án nhân
dân tối cao được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực về các vấn đề
được hướng dẫn trong Nghị quyết này đều bãi bỏ.
b. Đối với những vụ án hành
chính mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét
xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.
c. Đối với các bản án, quyết định
của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi
hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác.