Nghị quyết 02-NQ/HNTW năm 1996 về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 02-NQ/HNTW
Ngày ban hành 24/12/1996
Ngày có hiệu lực 24/12/1996
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Đỗ Mười
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 02-NQ/HNTW

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1996

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2000

Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của các quốc gia và làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định từ nay đến năm 2020 phải phấn đấu để xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp; khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) quyết định định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và những nhiệm vụ đến năm 2000.

I. THỰC TRẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Thành tựu

Đảng ta đã có một số nghị quyết về khoa học và công nghệ như Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khoá IV), Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (khoá VI), Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VII). Việc thực hiện các nghị quyết này đã bước đầu nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, thúc đẩy việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra những tiền đề cần thiết để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Các vấn đề về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, văn hoá và phát triển... cũng đã được nghiên cứu sâu hơn. Việc nghiên cứu các di sản lịch sử, văn hoá, văn minh và con người Việt Nam tiếp tục có những phát hiện mới. Việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam đã đạt một số kết quả.

Nhiều kết luận khoa học đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới.

Khoa học tự nhiên có những thành tựu trong nghiên cứu, điều tra điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và làm chủ công nghệ mới. Một số ngành nghiên cứu cơ bản đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới.

Các ngành khoa học và công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất nông nghiệp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu..., xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh.

Việc nghiên cứu về chính sách, biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường bước đầu được quan tâm, Luật Môi trường đã được ban hành.

Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có bước trưởng thành, được tập hợp, có thêm điều kiện để phát huy khả năng và cống hiến cho sự nghiệp chung. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Có được những thành tựu trên đây, trước hết là do đường lối đúng đắn của Đảng, do nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhờ sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khoa học và công nghệ. Mặt khác, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đã trưởng thành một bước và có nhiều cố gắng thích nghi với cơ chế mới; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về kinh tế, khoa học và công nghệ được mở rộng.

2. Yếu kém

Nền khoa học và công nghệ nước ta phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực.

Trình độ công nghệ thấp, chậm được đổi mới trong nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong quản lý. Sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước chưa nhiều, tỷ lệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống còn thấp. Tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và môi trường sinh thái.

Nhiều vấn đề nảy sinh trong công cuộc đổi mới chưa được làm sáng tỏ về phương diện lý luận. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội thiếu những dự báo khoa học. Việc tổng kết thực tiễn bị coi nhẹ. Tình trạng chậm trễ trong một số lĩnh vực lý luận và khoa học xã hội chưa được khắc phục.

Môi trường ở một số cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và nông thôn bị ô nhiễm nặng nề. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, đánh bắt thuỷ hải sản bằng các phương tiện có tính chất huỷ diệt... đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy tăng về số lượng, nhưng tỷ lệ trên số dân còn thấp so với các nước trong khu vực, chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia về công nghệ. Số đông cán bộ có trình độ cao đều đã lớn tuổi, đang có nguy cơ hẫng hụt cán bộ. Không ít cán bộ khoa học và công nghệ chuyển đi làm việc khác hoặc bỏ nghề, gây nên sự lãng phí chất xám nghiêm trọng.

Cơ cấu và việc phân bố cán bộ khoa học và công nghệ chưa cân đối, còn nhiều bất hợp lý. Nông thôn và miền núi còn thiếu nhiều cán bộ khoa học và công nghệ.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học quá nghèo nàn, lạc hậu; thông tin khoa học và công nghệ quá thiếu và không kịp thời.

Hệ thống tổ chức các cơ quan nghiên cứu - triển khai tuy đã được sắp xếp một bước, nhưng vẫn còn trùng lắp, chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, giảng dạy với thực tiễn sản xuất - kinh doanh và với quốc phòng - an ninh; giữa các ngành khoa học, giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn. Tinh thần hợp tác giữa các nhà khoa học, giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học còn yếu.

Nguyên nhân của những yếu kém trên đây là:

1. Các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền chưa thật sự coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, chưa tập trung trí tuệ, công sức cho sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động khoa học và công nghệ. Nhiều chủ trương đúng đắn về khoa học và công nghệ trong các văn kiện của Đảng chậm được thể chế hoá về mặt Nhà nước và chưa được thực hiện nghiêm túc.

- Chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách xuất nhập khẩu chưa khuyến khích và buộc các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, tích cực ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ. Môi trường đầu tư và cạnh tranh chưa thuận lợi, chưa tạo được động lực cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh.

- Chưa nhận thức đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển. Đầu tư tài chính của Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ còn quá thấp. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (khoá VI) quy định mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không được chấp hành nghiêm chỉnh (trong nhiều năm tỷ lệ này chỉ dưới 1%). Việc phân bổ và sử dụng ngân sách cho khoa học và công nghệ chưa hợp lý, chưa có hiệu quả. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ.

[...]