Nghị quyết 01/NQ-ĐCT về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/NQ-ĐCT
Ngày ban hành 18/06/2009
Ngày có hiệu lực 18/06/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 01/NQ-ĐCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ “ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ”

Trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, quan hệ lao động ngày càng đòi hỏi sự hài hoà về lợi ích trên cơ sở thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ nhưng không trái với quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật lao động.

Việc thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở (CĐCS) đại diện cho tập thể lao động thương lượng và ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp (DN), đơn vị (gọi chung là DN) thuộc đối tượng áp dụng TƯLĐTT nhằm thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Qua hơn 17 năm thực hiện các quy định của pháp luật về thương lượng và ký kết TƯLĐTT, nhất là từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và đề ra giải pháp khắc phục.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT là vấn đề cấp bách và cần thiết nhằm tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cấp công đoàn, phấn đấu đạt chỉ tiêu về thương lượng và ký kết TƯLĐTT trong các DN do Đại hội X Công đoàn Việt Nam đề ra, đồng thời góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Trước yêu cầu trên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá X) ban hành Nghị quyết về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể”.

I- TÌNH HÌNH THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT TƯLĐTT TRONG NHỮNG NĂM QUA:

1- Những kết quả đạt được:

1.1- Tình hình ký kết TƯLĐTT ở DN:

a- Về tỷ lệ các DN đã ký kết TƯLĐTT (so với tổng số DN có CĐCS):

Theo báo cáo của 43 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố, 14 Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (TLĐ), các DN thuộc phạm vi quản lý đã ký kết TƯLĐTT (đăng ký tại các Sở Lao động-TBXH) so với số DN có CĐCS đạt tỷ lệ chung là 65,22%. Trong đó, DN nhà nước (DNNN) 96,33%; DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 64,57% và các DN khác (DN tư nhân, CTy TNHH, CTy cổ phần) 59,21%.

b- Chất lượng:

Qua báo cáo của các đơn vị và qua khảo sát cho thấy số bản TƯLĐTT có chất lượng chỉ chiếm khoảng gần 40% so với số TƯLĐTT đăng ký tại cơ quan lao động. Trong đó, có những thoả thuận với nội dung có lợi hơn cho người lao động và cao hơn quy định của pháp luật lao động như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể…

1.2- Tình hình thí điểm TƯLĐTT ngành:

Thực hiện Điều 54 của Bộ luật Lao động, Điều 8 Nghị định số 196/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn theo Thông báo số 60/TB-VPCP ngày 30/3/2007 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may tiến hành thí điểm thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành đối với ngành Dệt may. Hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may đang trong quá trình thương lượng, xây dựng dự thảo TƯLĐTT ngành để lấy ý kiến các doanh nghiệp và CĐCS trong các đơn vị trực thuộc.

2- Những tồn tại, hạn chế:

2.1- Tỷ lệ các DN có ký kết TƯLĐTT còn thấp so với số DN có CĐCS:

Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ thì tỷ lệ ký kết TƯLĐTT còn thấp, bình quân mới đạt 65,22%, nhất là khu vực ngoài nhà nước (DN tư nhân, CTy TNHH, CTy cổ phần) mới đạt 59,21%.

2.2- Tỷ lệ các DN tổ chức thương lượng để có bản TƯLĐTT đạt chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện TƯLĐTT chưa đạt yêu cầu:

- Chất lượng và hiệu quả của các bản TƯLĐTT phụ thuộc rất nhiều vào việc thương lượng và thực hiện, nhưng theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn ngành thì các DN có tổ chức thương lượng thực sự trước khi ký kết, đồng thời tổ chức thực hiện TƯLĐTT sau khi đã ký kết chỉ chiếm khoảng 50% số DN đã ký kết (chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần hóa).

Các bản TƯLĐTT ở các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân hầu hết mang tính hình thức, chủ yếu sao chép lại những quy định đã có của luật, ít có những thoả thuận về quyền lợi của người lao động cao hơn so với quy định của pháp luật lao động.

- Không ít doanh nghiệp chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT cho phù hợp với sự thay đổi trong DN; một số DN thời hạn TƯLĐTT đã hết nhưng không thương lượng, ký kết lại. Việc tổ chức thực hiện chưa thực sự nghiêm chỉnh.

3- Nguyên nhân:

3.1- Từ các quy định của pháp luật về TƯLĐTT:

- Các quy định của pháp luật về TƯLĐTT chưa quy định rõ trình tự thương lượng như: đối tượng thương lượng, nội dung thương lượng, thời gian thương lượng nên việc đàm phán thương lượng ở khá nhiều DN chưa thực chất.

- Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn quy định giao cho Ban chấp hành CĐCS đại diện tập thể lao động trong DN thương lượng và ký kết TƯLĐTT với đại diện người SDLĐ chưa phù hợp với khả năng và năng lực của Ban chấp hành CĐCS trong điều kiện mới. Mặt khác, chưa quy định vai trò của Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ quan lao động hỗ trợ hai bên thương lượng.

- Các quy định về chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc các DN phải thực hiện các quy định đã có về thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT, nên có nhiều DN lợi dụng để né tránh, thậm chí không thương lượng hoặc ký kết và đăng ký TƯLĐTT.

[...]