Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ về việc hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01-HĐTP/NQ
Ngày ban hành 19/04/1989
Ngày có hiệu lực 04/05/1989
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Phạm Hưng
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-HĐTP/NQ

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 1989 

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO HƯỚNG DẪN BỔ SUNG VIỆC ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986, số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 và số 02 ngày 16-11-1988 hướng dẫn các Tòa án các cấp áp dụng thống nhất một số quy định của Bộ luật hình sự. Tại kỳ họp vào các ngày 18, 19-4-1989 có sự tham dự của đại diện của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hướng dẫn việc áp dụng một số quy định khác của Bộ luật hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các Nghị quyết nói trên cho phù hợp với tình hình hiện nay như sau:

I- VỀ TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI (ĐIỀU 16 BLHS)

Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986 chỉ mới hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm, chưa có hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các trường hợp có đồng phạm. Do đó, nay cần hướng dẫn thêm như sau:

1- Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức có đặc điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghĩa là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản, thì tội phạm không thể hoàn thành, hậu quả mà kẻ phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong các vụ án có đồng phạm, nếu người xúi giục hoặc người tổ chức hay người giúp sức tuy tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện, hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 Bộ luật hình sự về tội định phạm, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

Để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS, người xúi giục, người tổ chức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.

Để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS, người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành…). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức được miễn trách nhiệm theo điều 16 BLHS trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 48 BLHS, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

2- Thực tiễn xét xử cho thấy trong một số vụ án nhiều người thực hành tội phạm đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Thí dụ: 3 người rủ nhau đến ga xe lửa để trộm cắp, nhưng không bàn bạc gì cụ thể cả; trên đường đi một người đã bỏ về vì không muốn phạm tội nữa; hai người còn lại vẫn tiếp tục đến ga xe lửa và lợi dụng sự sơ hở của một số hành khách đã trộm cắp được một số hành lý. Còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự như trường hợp về người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức đã được nêu ở điểm 1 trên đây. Thí dụ: mấy người bàn bạc với nhau về việc trộm cắp ở một địa điểm nào đó; một người trong bọn họ đã vẽ sơ đồ, chỉ dẫn cho đồng bọn cách đột nhập một cách an toàn vào nơi để tài sản, sau đó người này từ bỏ ý định phạm tội và cũng chỉ khuyên đồng bọn không nên phạm tội nữa; nhưng đồng bọn của người này vẫn sử dụng sơ đồ và sự chỉ dẫn của người này để thực hiện tội phạm thì người này vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3- Người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại điều 247 BLHS, nếu họ không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ.

II- VỀ KHOẢN 2 VÀ KHOẢN 3 ĐIỀU 18 BLHS

A- Về khoản 2 điều 38 BLHS.

Khoản 2 điều 38 BLHS quy định là “khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi trong bản án”.

Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy những tình tiết sau đây thường được nhiều Tòa án coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo:

1- Bị cáo hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác.

2- Bị cáo là người có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu, công tác đã được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Chính phủ hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua.

3- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, bố, mẹ hoặc con (con đẻ hoặc con nuôi) là liệt sỹ.

4- Bị cáo là người tàn tật nặng do bị tai nạn lao động hoặc trong công tác.

5- Bị cáo sau khi phạm tội đã lập công để chuộc tội.

6- Người bị hại cũng có lỗi.

B- Về khoản 3 điều 38 BLHS.

Khoản 3 điều 38 BLHS quy định:

“Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý dó của việc giảm nhẹ này phải được ghi trong bản án”.

1- “Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ” là khi có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó có ít nhất là một tình tiết đã được quy định tại khoản 1 điều 38 BLHS.

Việc bị cáo chưa đến tuổi thành niên đã là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, cho nên đối với bị cáo chưa thành niên thì chỉ cần có một tình tiết giảm nhẹ đã được quy định ở khoản 1 điều 38 BLHS là có thể áp dụng khoản 3 điều 38 Bộ luật hình sự.

2- Tùy theo số lượng và tính chất của các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà quyết định giảm nhẹ trong khung hình phạt hay áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đó, hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

a) Thông thường Tòa án giảm nhẹ trong khung hình phạt cho bị cáo khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, nhưng hành vi phạm tội của họ tương ứng với mức cao (bằng hoặc gần với mức cao nhất) của khung hình phạt. Nghĩa là, trong những trường hợp mà nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị cáo phải bị phạt ở mức cao của khung hình phạt, do đó khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, họ được hưởng một hình phạt ở mức thấp (bằng hoặc gần với mức thấp nhất) của khung hình phạt.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ