Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/2006/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 12/05/2006
Ngày có hiệu lực 14/06/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO

---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2006/NQ-HĐTP

 Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự (sau đây viết tắt là BLHS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS

1.1. Cũng được áp dụng tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

b. Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;

c. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người  bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

d. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

đ. Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

e. Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

1.2. Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm đ và e tiểu mục 1.1 mục 1 này mà bị cáo không có việc tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS.

2. Về tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 của BLHS

2.1. Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị  cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già.

2.2. "Trẻ em" được xác định là người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 1 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2.3. "Phụ nữ có thai" được xác định bằng cách chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

2.4. "Người già" được xác định là người từ 70 tuổi trở lên.

3. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLHS

3.1. Tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS

"Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp "dùng hung khí nguy hiểm".

3.2 Tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS

a. "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS được hiểu là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ hai lần trở lên hoặc của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) và trong các lần đó chưa có lần nào bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" để xét xử bị cáo theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 của BLHS được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm b, c và d tiểu mục 3.2 này.

b. Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

[...]