Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Nghị định 91-CP về Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên

Số hiệu 91-CP
Ngày ban hành 23/08/1997
Ngày có hiệu lực 07/09/1997
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Đức Lương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 91-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 1997

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 91-CP NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1997 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế Đăng ký tầu biển và thuyền viên".

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 14/CP ngày 25 tháng 2 năm 1994 của Chính phủ.

Các quy định về đăng ký tầu biển và thuyền viên trái với Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện "Quy chế đăng ký tầu biển và thuyển viên" ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trường cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng có quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy chế này qui định các nguyên tắc tổ chức thực hiện việc đăng ký tầu biển, thuyền viên tại Việt Nam và đăng ký tầu biển thuộc sở hữu Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 2.-

1. Các loại tầu biển dưới đây bắt buộc phải được đăng ký theo quy định của Quy chế này:

a) Tầu biển có trang bị động cơ với công suất máy chính từ 75/CV trở lên;

b) Tầu biển không có động cơ, nhưng có dung tích toàn phần từ 50 GRT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 DWT trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên;

c) Tầu biển khác nhỏ hơn các loại quy định tại Điểm a và Điểm b của Khoản này, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài;

d) Các tầu biển chuyên dùng đánh bắt, chế biến và vận chuyển trong nước thuỷ hải sản.

2. Các tầu biển chuyên dùng vào mục đích quân sự, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và thuyền viên làm việc trên các loại tầu đó được đăng ký theo quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 3.-

1- Chủ tầu chỉ được phép cho tầu hoạt động sau khi đã hoàn tất việc đăng ký tầu biển và thuyền viên theo quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Chủ tầu nói ở đây được hiểu là pháp nhân hoặc cá nhân sở hữu tầu đứng tên đăng ký tầu theo pháp luật Việt Nam.

2. Nhà nước Việt Nam bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp của chủ tầu đối với tầu biền kể từ khi tầu đã được đăng ký cho đến lúc xoá đăng ký.

[...]