CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
85/2002/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2002
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 85/2002/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 178/1999/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1999 VỀ BẢO ĐẢM
TIỀN VAY CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12
tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm
1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng như sau:
1. Bổ
sung khoản 3 Điều 1 như sau:
"Việc cấp tín dụng của Quỹ
hỗ trợ phát triển và của các tổ chức tài chính nhà nước khác, nếu pháp luật có
quy định về biện pháp bảo đảm, thì cũng được áp dụng các quy định của Nghị định
này".
2. Sửa đổi,
bổ sung khoản 3 Điều 2 như sau:
"Tài sản bảo đảm tiền vay
là tài sản của khách hàng vay, của bên bảo lãnh để bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ trả nợ, bao gồm: tài sản thuộc quyền sở hữu, giá trị quyền sử dụng đất
của khách hàng vay, của bên bảo lãnh; tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của
khách hàng vay, của bên bảo lãnh là doanh nghiệp nhà nước; tài sản hình thành từ
vốn vay".
3. Sửa đổi,
bổ sung khoản 6 Điều 2 như sau:
"Bảo lãnh bằng tài sản của
bên thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) là việc bên bảo lãnh cam kết với tổ chức tín dụng
về việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu, giá trị quyền sử dụng đất của mình,
đối với doanh nghiệp nhà nước là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng để thực
hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho khách hàng vay, nếu đến hạn trả nợ mà khách hàng
vay thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ".
4. Sửa đổi,
bổ sung khoản 9 Điều 2 như sau:
"Khách hàng vay là các cá
nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, pháp
nhân Việt Nam và cá nhân, pháp nhân nước ngoài có đủ điều kiện vay vốn tại tổ
chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".
5. Sửa
đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:
"Tổ chức tín dụng có quyền
quyết định lựa chọn tài sản đủ điều kiện để làm bảo đảm tiền vay; quyết định lựa
chọn bên thứ ba bảo lãnh bằng tài sản cho khách hàng vay. Trường hợp tổ chức
tín dụng quyết định lựa chọn bên bảo lãnh bằng tài sản cho khách hàng vay là cá
nhân, pháp nhân nước ngoài, thì việc thực hiện bảo lãnh phải tuân theo các quy
định của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ, của
Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trừ trường hợp
điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có
quy định khác".
6. Sửa
đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 như sau:
"Bên bảo lãnh chỉ được bảo
lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình; tài sản là giá trị quyền sử dụng đất;
tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng đối với bên bảo lãnh là doanh nghiệp nhà
nước. Tổ chức tín dụng và bên bảo lãnh thoả thuận về việc áp dụng hoặc không áp
dụng biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên bảo lãnh để bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ bảo lãnh. Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng thì thực hiện bảo lãnh theo
quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam".
7.
Sửa đổi khoản 5 Điều 6 như sau :
"Giá trị quyền sử dụng đất,
tài sản gắn liền với đất đó đủ điều kiện làm bảo đảm tiền vay theo quy định của
pháp luật, thì việc thế chấp, bảo lãnh đồng thời cả giá trị quyền sử dụng đất
và tài sản gắn liền với đất hay tách rời là do các bên thoả thuận. Trường hợp
các bên thoả thuận thế chấp, bảo lãnh tách rời giữa tài sản gắn liền với đất và
giá trị quyền sử dụng đất, thì tổ chức tín dụng nhận thế chấp, bảo lãnh phải có
khả năng quản lý tài sản trong quá trình cho vay và xử lý được tài sản đó để thu
hồi nợ, nếu khách hàng vay không trả được nợ".
8. Bổ
sung khoản 6 Điều 6 như sau:
"Trường hợp giao dịch bảo đảm
tiền vay bị coi là vô hiệu từng phần hay toàn bộ, thì không ảnh hưởng đến hiệu
lực của hợp đồng tín dụng mà giao dịch bảo đảm đó là một điều kiện".
9. Sửa đổi,
bổ sung Điều 7 như sau:
"Điều 7. Điều kiện, thủ tục
thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo
lãnh bằng tài sản của bên thứ ba
1. Tài sản, điều kiện nhận tài sản
cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, thủ tục ký kết và thực hiện văn bản, hợp đồng cầm cố,
thế chấp, bảo lãnh (sau đây gọi chung là văn bản, hợp đồng bảo đảm) và việc
đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo
đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Văn bản, hợp đồng bảo đảm có
chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của ủy ban nhân dân cấp có
thẩm quyền, nếu các bên có thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
2. Khách hàng
vay, bên bảo lãnh được thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất, kể cả
đất thuê mà thời hạn thuê đã được trả tiền còn lại dưới 05 năm, theo quy định của
pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Tổ chức tín dụng kiểm tra điều
kiện của tài sản bảo đảm tiền vay. Khách hàng vay, bên bảo lãnh chịu trách nhiệm
về tính hợp pháp của tài sản bảo đảm tiền vay."
10. Sửa
đổi khoản 1 Điều 8 như sau:
"Tài sản bảo đảm tiền vay
phải được xác định giá trị tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm; việc xác định
giá trị tài sản tại thời điểm này chỉ làm cơ sở xác định mức cho vay của tổ chức
tín dụng, không áp dụng khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Việc xác định
giá trị tài sản bảo đảm tiền vay phải được lập thành văn bản riêng hoặc ghi vào
hợp đồng tín dụng".
11. Sửa
đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:
"Giá trị quyền sử dụng đất
thế chấp, bảo lãnh được xác định như sau:
a) Đất do Nhà nước giao cho hộ
gia đình, cá nhân sử dụng để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; đất ở; đất mà hộ
gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp; đất do Nhà nước
giao có thu tiền đối với tổ chức kinh tế; đất mà tổ chức kinh tế nhận chuyển
nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp, thì giá trị quyền sử dụng đất thế chấp, bảo
lãnh do tổ chức tín dụng và khách hàng vay, bên bảo lãnh thoả thuận theo giá đất
thực tế chuyển nhượng ở địa phương đó tại thời điểm thế chấp. Tổ chức
tín dụng xem xét, quyết định mức cho vay và tự chịu trách nhiệm về rủi ro vốn
cho vay.
b) Đất do Nhà nước cho hộ gia
đình, cá nhân, tổ chức kinh tế thuê mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian
thuê hoặc đã trả tiền thuê đất cho nhiều năm, thì giá trị quyền sử dụng đất được
thế chấp, bảo lãnh gồm tiền đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng khi được Nhà
nước cho thuê đất (nếu có), tiền thuê đất đã trả cho Nhà nước sau khi trừ đi tiền
thuê đất cho thời gian đã sử dụng.
c) Trường hợp thế chấp, bảo lãnh
giá trị quyền sử dụng đất mà người thuê đất được miễn, giảm tiền thuê đất theo
quy định của pháp luật, thì giá trị quyền sử dụng đất thế chấp, bảo lãnh được
tính theo giá trị thuê đất trước khi được miễn, giảm".
12. Bỏ
khoản 4 Điều 8
13. Sửa đổi,
bổ sung Điều 11 như sau:
"Điều 11. Phạm vi bảo đảm
tiền vay của tài sản
Một tài sản bảo đảm được dùng để
bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ trả nợ tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng.
Trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm cho các nghĩa vụ trả nợ tại nhiều tổ chức
tín dụng, thì phải có đủ các điều kiện:
1. Các giao dịch bảo đảm liên
quan đến tài sản này đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Các tổ chức tín dụng cùng nhận
một tài sản bảo đảm phải thoả thuận với nhau bằng văn bản cử đại diện giữ bản
chính giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm, về việc xử lý tài sản bảo đảm để
thu hồi nợ nếu khách hàng không trả được nợ.
3. Giá trị tài sản bảo đảm được xác
định tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa
vụ trả nợ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
14. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:
"Đối với tài sản cầm cố, thế
chấp là phương tiện vận tải, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản có giấy chứng nhận
đăng ký, tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký, khách hàng vay
khi sử dụng phương tiện được dùng bản sao có chứng nhận của Công chứng Nhà nước
và xác nhận của tổ chức tín dụng, nơi nhận cầm cố, thế chấp để lưu hành phương
tiện đó trong thời hạn cầm cố, thế chấp. Tổ chức tín dụng chỉ xác nhận vào một
bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sau khi đã có chứng nhận của Công
chứng Nhà nước. Nếu tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay, tàu biển tham gia hoạt
động trên tuyến quốc tế, tổ chức tín dụng giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký
có chứng nhận của Công chứng Nhà nước".
15. Sửa
đổi khoản 4 Điều 12 như sau:
"Trong trường hợp cầm cố,
thế chấp tài sản cho khoản vay hợp vốn, các tổ chức tín dụng tham gia hợp vốn
có văn bản thoả thuận cử đại diện quản lý tài sản và giấy tờ của tài sản bảo đảm
tiền vay".
16. Sửa đổi
khoản 1 Điều 14 như sau:
"Tổ chức tín dụng xem xét,
quyết định việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, nếu khách
hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại
khoản 17 Điều này".
17. Sửa đổi,
bổ sung Điều 15 như sau:
"Điều 15. Điều kiện đối với
khách hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay
1. Đối với khách hàng vay:
a) Có khả năng tài chính để thực
hiện nghĩa vụ trả nợ;
b) Có dự án đầu tư, phương án sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương
án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Có mức vốn tự có tham
gia vào dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống và
giá trị tài sản bảo đảm tiền vay bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp tối thiểu
bằng 15% vốn đầu tư của dự án hoặc phương án đó.
2. Đối với tài sản:
a) Tài sản hình thành từ vốn vay
dùng làm bảo đảm tiền vay phải xác định được quyền sở hữu hoặc quyền quản lý, sử
dụng; xác định được giá trị, số lượng và được phép giao dịch. Đối với tài sản
hình thành từ vốn vay là vật tư hàng hoá, thì ngoài việc có đủ các điều kiện
này, tổ chức tín dụng phải có khả năng quản lý, giám sát tài sản bảo đảm.
b) Đối với tài sản mà pháp luật
có quy định phải mua bảo hiểm, thì khách hàng vay phải cam kết mua bảo hiểm
trong suốt thời hạn vay vốn khi tài sản đã được hình thành đưa vào sử dụng".
18. Sửa đổi
Điều 20 như sau:
"Điều 20. Khách hàng vay
không có bảo đảm bằng tài sản phải có đủ các điều kiện sau đây :
1. Sử dụng vốn vay có hiệu quả
và trả nợ gốc, lãi vốn vay đúng hạn trong quan hệ vay vốn với tổ chức tín dụng
cho vay hoặc các tổ chức tín dụng khác.
2. Có dự án đầu tư, phương án sản
xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án
phục vụ đời sống khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Có khả năng tài chính để thực
hiện nghĩa vụ trả nợ.
4. Cam kết thực hiện biện pháp bảo
đảm bằng tài sản theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nếu sử dụng vốn vay không
đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng; cam kết trả nợ trước hạn nếu không thực
hiện được các biện pháp bảo đảm bằng tài sản quy định tại điểm này".
19. Bỏ
khoản 2 và khoản 3 Điều 21.
Điều 2.
Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Quy định về bảo đảm tiền vay
tại điểm d, đ khoản 6 Mục III Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm
2000 của Chính phủ về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 hết hiệu lực thi hành.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
4. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này.