CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
84/2010/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2010
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH
SỐ 14/2007/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI
HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Chứng khoán, như sau:
1. Sửa đổi Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán về chào bán chứng khoán
ra công chúng, công ty đại chúng, niêm yết chứng khoán, công ty chứng khoán,
công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán.”
2. Bổ sung Điều 3a sau Điều 3 như sau:
“Điều 3a. Quy định chung về việc chào bán chứng khoán ra công chúng
1. Tổ chức, cá
nhân không được chào bán chứng khoán ra công chúng trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp
không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều 12
Luật Chứng khoán;
b) Chào bán chứng
khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp; trừ các trường hợp quy định tại
khoản 4 và 5 Điều 4 Nghị định này.
2. Việc đăng ký
chào bán chứng khoán ra công chúng phải do tổ chức phát hành thực hiện, trừ các
trường hợp sau:
a) Chủ sở hữu Nhà
nước (bao gồm cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước) thực hiện bán phần vốn
nhà nước do Tập đoàn, Tổng Công ty nắm giữ ra công chúng nhằm thực hiện quyền đại
diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
b) Cổ đông lớn bán
phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng.
Bộ Tài chính quy định
trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các trường hợp quy
định tại điểm a và b khoản 2 Điều này.
3. Tổ chức phát
hành phải mở một tài khoản riêng biệt tại một ngân hàng thương mại để phong tỏa
số tiền thu được từ đợt chào bán. Trường hợp tổ chức phát hành là ngân hàng
thương mại thì phải lựa chọn một ngân hàng thương mại khác để phong tỏa số tiền
thu được từ đợt chào bán. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào
bán, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả chào
bán kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số
tiền thu được từ đợt chào bán. Sau khi gửi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,
tổ chức phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
4. Định kỳ 6
tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cho đến khi hoàn thành việc giải ngân,
tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt
chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổ chức phát hành phải công
bố thông tin về lý do thay đổi và Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thay
đổi hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với
tổ chức phát hành nước ngoài quy định tại Điều 17a Nghị định này”.
3. Bổ sung khoản 7, 8 và 9 Điều 4 như sau:
“7. Hồ sơ, trình tự,
thủ tục chào bán cổ phần ra công chúng để thành lập tổ chức tín dụng là công ty
cổ phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
8. Trường hợp chào
bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp
nhất, sáp nhập doanh nghiệp thì phải có thời gian hoạt động từ một năm trở lên
và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán.
9. Hồ sơ, trình tự,
thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu và thực hiện việc
sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính.”
4. Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 5 như sau:
“c) Trường hợp tổ
chức phát hành có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu trong thời hạn
của trái phiếu chuyển đổi thì hồ sơ chào bán phải nêu rõ rủi ro đối với quyền lợi
của người mua trái phiếu kèm theo phương án đền bù cho nhà đầu tư để đảm bảo
quyền lợi của nhà đầu tư.”
5. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 như sau:
“d) Tuân thủ các
quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”.
6. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:
“b) Các tài liệu
chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và nội dung công
bố thông tin theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.”
7. Bổ sung Chương IIa sau Chương II như sau:
“Chương IIa
CÔNG TY ĐẠI CHÚNG
Điều 7a. Giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng
1. Chứng khoán của
các công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết theo quy định tại Điều 8 và Điều 9
Nghị định này được giao dịch tại các Sở giao dịch chứng khoán.
2. Chứng khoán của
các công ty đại chúng chưa niêm yết tại các Sở giao dịch chứng khoán được giao
dịch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 7b. Chấm dứt tư cách công ty đại chúng
1. Ngoại trừ công
ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đã niêm yết cổ phiếu
trên Sở Giao dịch Chứng khoán, đối với công ty đại chúng theo quy định tại khoản
2 Điều 25 Luật Chứng khoán phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán
Nhà nước và công bố thông tin ra công chúng về việc chấm dứt tư cách công ty đại
chúng trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày không còn đủ một trăm (100)
nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc vốn điều
lệ điều chỉnh xuống dưới mười (10) tỷ đồng Việt Nam.
2. Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban
Chứng khoán Nhà nước về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng trong thời hạn
bảy (07) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của công ty về việc chấm dứt tư
cách công ty đại chúng.”
8. Sửa đổi tên Điều 8 như sau:
“Điều 8. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố
Hồ Chí Minh”.
9. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 8 như sau:
“d) Tối thiểu 20%
cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là
nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ, trừ
trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định
của Thủ tướng Chính phủ.”
10. Bổ sung điểm g khoản 1 Điều 8 như sau:
“g) Bộ Tài chính
quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá
trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;”
11. Bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 8 như sau:
“đ) Bộ Tài chính
quy định điều kiện niêm yết trái phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá
trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;”
12. Bãi bỏ khoản 4 Điều 8.
13. Bổ sung khoản 5 Điều 8 như sau:
“5. Bộ Tài chính
quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác và điều kiện
niêm yết đối với từng bảng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ
Chí Minh.”
14. Sửa đổi tên Điều 9 như sau:
“Điều 9. Điều
kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội”.
15. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 9 như sau:
“b) Hoạt động kinh
doanh của năm liền trước thời điểm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các
khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với
Nhà nước và có tình hình tài chính lành mạnh tính đến thời điểm đăng ký niêm yết;”
16. Bổ sung điểm g khoản 1 Điều 9 như sau:
“g) Điều kiện niêm
yết cổ phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập
doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính;”
17. Sửa đổi khoản 3 và 6 Điều 9 như sau:
“3. Trái phiếu
Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa
phương được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo đề nghị của tổ
chức phát hành trái phiếu.
6. Bộ Tài chính
quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác và điều kiện
đối với từng bảng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.”
18. Bãi bỏ khoản 4, khoản 5 Điều 9.
19. Bổ sung Điều 9a sau Điều 9 như sau:
“Điều 9a. Niêm yết chứng khoán của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần
Đối với trường hợp
đăng ký niêm yết chứng khoán của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, ngoài các
điều kiện quy định tại Điều 8 và 9 Nghị định này còn phải được sự chấp thuận của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
20. Bỏ cụm từ “Trung tâm Giao dịch Chứng khoán” tại Điều 10, Điều
11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16 và Điều 26 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP.
21. Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 14 như sau:
“đ) Kết quả sản xuất,
kinh doanh bị lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ
sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất trước thời điểm xem xét.”
22. Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán của
nước mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hoặc Sở giao dịch chứng khoán đã
có thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Sở Giao dịch Chứng
khoán của Việt Nam.”
23. Bổ sung Mục 3 gồm Điều 17a và Điều 17b vào Chương III như sau:
“MỤC 3. CHÀO
BÁN VÀ NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH NƯỚC NGOÀI
Điều 17a. Điều kiện chào bán và niêm yết chứng khoán tại Việt Nam của tổ chức
phát hành nước ngoài
Doanh nghiệp thành
lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công
chúng và niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam khi
đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện tổ chức
phát hành nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam:
a) Có dự án đầu tư
tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án phát hành và sử
dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự
án tại Việt Nam;
b) Có cam kết của
tổ chức nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam;
c) Có cam kết không
chuyển vốn huy động được ra nước ngoài và không rút vốn tự có đối ứng trong thời
hạn của dự án được cấp phép;
d) Có cam kết thực
hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật Việt
Nam;
đ) Được tối thiểu
01 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia bảo lãnh
phát hành;
e) Tuân thủ quy định
của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành chứng khoán tại Việt
Nam.
2. Điều kiện niêm
yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài trên Sở giao dịch chứng khoán
tại Việt Nam:
a) Là chứng khoán
phát hành tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Số lượng chứng
khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại
Việt Nam;
c) Có cam kết thực
hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt
Nam;
d) Được một (01)
công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết
chứng khoán.
Điều 17b. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận đăng ký chào bán và niêm yết, hủy
niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài tại Việt Nam
Hồ sơ, trình tự,
thủ tục chấp thuận đăng ký chào bán và niêm yết, hủy niêm yết chứng khoán tại
Việt Nam của tổ chức nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
24. Sửa đổi khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Mức vốn pháp định
của công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài, chi
nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là hai mươi lăm (25) tỷ đồng
Việt Nam.”
25. Bổ sung Điều 20a sau Điều 20 như sau:
“Điều 20a. Dịch vụ tư vấn tài chính và dịch vụ tài chính khác của công ty chứng
khoán.
Bộ Tài chính hướng
dẫn các dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ tài chính khác quy định tại khoản 3
Điều 60 Luật Chứng khoán và quy định các điều kiện để công ty chứng khoán được
cung cấp và thực hiện các loại dịch vụ này.”
26. Sửa đổi khoản 4 Điều 21 như sau:
“4. Quản lý vốn đầu
tư của công ty đầu tư chứng khoán:
a) Công ty đầu tư
chứng khoán phát hành riêng lẻ được tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác cho một
công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư;
b) Công ty đầu tư
chứng khoán đại chúng không được tự quản lý vốn đầu tư mà phải ủy thác cho công
ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư;
c) Trường hợp công
ty đầu tư chứng khoán ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư, Giám
đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc (nếu có), Chủ tịch
Hội đồng quản trị và tối thiểu hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng quản trị của
công ty đầu tư chứng khoán phải độc lập với công ty quản lý quỹ.”
27. Bãi bỏ khoản 5 Điều 21.
28. Ghép Điều 22 và Điều 23 thành Điều 22 và sửa đổi như sau:
“Điều 22. Hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiểu ra công chúng và thủ tục cấp
giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán đại chúng
Việc chào bán cổ
phần ra công chúng và cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng
khoán đại chúng thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.”
29. Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 24 như sau:
“g) Các tài liệu
khác theo quy định tại Điều 22 Nghị định này”
30. Bãi bỏ Điều
28.
31. Bãi bỏ khoản 1 Điều 29.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Nghị định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2010.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính có
trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|