Nghị định 82-TP/NĐ năm 1946 về tổ chức lại tòa án quân sự do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành.

Số hiệu 82-TP/NĐ
Ngày ban hành 25/02/1946
Ngày có hiệu lực 12/03/1946
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Vũ Trọng Khánh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82-TP/NĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1946 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Chiếu chỉ Sắc lệnh ngày 14 tháng 02 năm 1946 tổ chức lại tòa án quân sự
Để áp dụng sắc lệnh ấy,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

THÀNH LẬP TÒA ÁN QUÂN SỰ

Điều 1: – Tòa án quân sự đặt tại các nơi sau này:

Ở Bắc kỳ tại Hà nội, Hải Phòng, Ninh Bình;

Ở Trung kỳ tại Vinh, Thuận Hóa, Phan Rang;

Ở Nam kỳ tại Sài Gòn, Mỹ Tho.

Điều 2: Ủy ban hành chính Trung kỳ trong địa hạt kỳ ấy có thể đề nghị lên bộ Tư pháp mở thêm tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác.

Ở Nam kỳ, Ủy ban hành chính đồng ý với ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm có thể ra nghị định lập thêm tòa án quân sự ở những nơi cần, rồi sau trình lên bộ Tư pháp duyệt y.

Điều 3:Quản hạt các tòa án ở Bắc kỳ là:

Tòa án quân sự Hải Phòng; Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Hải Dương, Kiến An, Hải Ninh và Quảng Yên.

Tòa án quân sự Ninh Bình: các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên và Thái Bình.

Tòa án quân sự Hà Nội: Thành phố Hà Nội và các tỉnh khác thuộc Bắc Bộ mà chưa kể ở mục quản hạt các tòa án quân sự Hải Phòng và Ninh Bình.

Điều 4:Quản hạt những tòa án quân sự ở Trung kỳ và Nam kỳ sẽ do nghị định của Ủy ban Hành chính kỳ ấn định sau khi thỏa hiệp với ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm.

Điều 5: Các công cáo ủy viên trực tiếp đặt dưới quyền kiểm soát của hai ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng bộ Tư pháp và phải tuân theo huấn lệnh của hai ông ấy cùng ký.

Ở Trung kỳ và Nam kỳ, ông Chủ tịch Ủy ban hành chính kỳ thay mặt ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm thay mặt Bộ trưởng  bộ Tư pháp giữ quyền kiểm soát và cùng ra huấn lệnh cho các ông công cáo ủy viên.

Điều 6:Trụ sở tòa án quân sự ở nơi nào thì đặt ngay sở tại tòa án đệ nhị cấp hay tòa Thượng thẩm ở nơi ấy.

Tòa án quân sự, theo quyết định của ông chánh án, có thể họp ngoài trụ sở được.

Điều 7: Tòa án quân sự xử công khai. Nếu có duyên cớ đặc biệt tòa có thể quyết định xử kín.

Nhưng dù vào trường hợp nào tòa án cũng thẩm nghị trong phong kín và tuyên bố bản án trước công chúng.

Điều 8: Bị cáo có quyền tự bênh vực lấy hay nhờ luật sư hoặc một người khác bênh vực.

Ông chánh án theo lời yêu cầu của bị cáo có thể cử một người ra bênh vực bị cáo.

Chương 2:

THỦ TỤC

a) Việc điều tra và thụ lý

Điều 9: – Mỗi khi sẩy ra một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì bất cứ ai cũng phải báo ngay cho ty liêm phóng hoặc nhà chức trách địa phương biết.

[...]