Nghị định 78-VP/NGĐ năm 1958 về thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với Mậu dịch quốc doanh trong nước do Tổng giám đồc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành.

Số hiệu 78-VP/NGĐ
Ngày ban hành 04/04/1958
Ngày có hiệu lực 04/04/1958
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Ngân hàng quốc gia
Người ký Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
  

Số: 78-VP/NGĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1958

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ VÀ BIỆN PHÁP CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI MẬU DỊCH QUỐC DOANH TRONG NƯỚC

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

Căn cứ vào Sắc lệnh số 15-SL ngày 06 tháng 5 năm 1951 thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam;
Thi hành Quyết định số 130-TTg, ngày 04 tháng 4 năm 1957 của Thủ tướng Phủ về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế để tăng cường công việc quản lý kinh doanh của xí nghiệp quốc doanh, giao cho Ngân hàng quốc gia phải xây dựng các chế độ cho vay ngắn hạn đối với các ngành kinh tế quốc dân;
Thi hành Nghị định số 144-TTg ngày 9 tháng 4 năm 1957 của Thủ tướng phủ về việc tập trung thanh toán không dùng tiền mặt giữa các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, cơ quan Nhà nước và đơn vị bộ đội;
Căn cứ vào Công văn số 1372-TN ngày 3 tháng 4 năm 1958 của Thủ tướng Phủ đồng ý về nội dung bản thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với Mậu dịch quốc doanh trong nước.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành bản thể lệ và biện pháp cho vay ngắn hạn đối với Mậu dịch quốc doanh trong nước kèm theo Nghị định này.

Điều 2.Thể lệ và biện pháp này được áp dụng từ ngày ban hành theo mức đã tiến hành hạch toán kinh tế của các tổ chức Mậu dịch quốc doanh trong nước.

Điều 3.Các ông Chánh văn phòng, Giám đốc Vụ, Sở ở Ngân hàng Trung ương và các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng toàn quốc chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG
QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

 

THỂ LỆ VÀ BIỆN PHÁP CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI MẬU  DỊCH QUỐC DOANH TRONG NƯỚC

Chương 1:

Mục A MỤC ĐÍCH CHO VAY

Điều 1.Mục đích cho vay ngắn hạn của Ngân hàng quốc gia đối với Mậu dịch quốc doanh là phục vụ cho việc củng cố và phát triển không ngừng Mậu dịch quốc doanh, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch  luân chuyển hàng hóa do Nhà nước duyệt, giúp Mậu dịch quốc doanh dự trữ lực lượng để lãnh đạo thị trường, ổn định vật giá tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân. Đồng thời thông qua công tác cho vay ngắn hạn, Ngân hàng làm nhiệm vụ kiểm soát bằng tiền hoạt động của Mậu dịch quốc doanh để thúc đẩy Mậu dịch quốc doanh củng cố chế độ hạch toán kinh tế, đẩy mạnh tốc độ luân chuyển hàng hóa và tốc độ luân chuyển vốn, sử dụng vốn hợp lý, giảm bớt phí tổn lưu chuyển, tích lũy vốn cho Nhà nước.

Mục B. CƠ CẤU VỐN LUÂN CHUYỂN (tức vốn lưu động) CỦA MẬU DỊCH QUỐC DOANH

Điều 2.Vốn luân chuyển (tức vốn lưu động) của Mậu dịch quốc doanh tổ chức theo nguyên tắc tham gia theo phần. Mỗi đơn vị Mậu dịch quốc doanh phải có một số vốn riêng nhất định để tham gia vào việc luân chuyển hàng hóa. Số vốn này do Bộ Tài chính cấp phát không được dưới 30% vốn dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã được Nhà nước duyệt y. Phần còn lại không quá 70% do Ngân hàng quốc gia cho vay ngắn hạn (theo quy định tạm thời, số 131-TTg ngày 4-4-1957 cho Mậu dịch quốc doanh nói chung, còn khi áp dụng thì tùy theo tính chất hoạt động từng Tổng công ty mà quy định).

Ngân hàng quốc gia chỉ cho vay về hàng hóa (hàng hóa trong kho, đang vận chuyển trên đường đi, trong màng lưới bán buôn và bán lẻ, hàng đang gia công v .v… )

Vốn dự trữ hàng hóa gồm có tiền mua hàng, phí tổn lưu chuyển hàng hóa và thuế hàng hóa (nếu phải nộp thay cho người bán).

Các khoản khác thuộc vốn luân chuyển (tức vốn lưu động) không phải hàng hóa phải do vốn riêng của Mậu dịch quốc doanh thỏa mãn, không được Ngân hàng quốc gia cho vay. Phần vốn này gồm có phương tiện tiền tệ (tiền mặt đọng tại quỹ hay đang nằm trên đường đi cho đến khi nhập vào Ngân hàng quốc gia), bao bì, dụng cụ rẻ tiền và mau hỏng và các vật liệu khác v .v…

Vốn lưu động của các cơ sở sản xuất và vận tải của Mậu dịch quốc doanh chưa thành một đơn vị hạch toán độc lập thì tạm thời sẽ do Bộ Tài chính cấp toàn bộ. Đến khi các cơ sở đó đã trở thành một đơn vị  hạch toán độc lập thì Ngân hàng quốc gia sẽ cho vay theo thể lệ cho vay Công nghiệp quốc doanh và vận tải quốc doanh.

Mục C. CÁC NGUYÊN TẮC CHO VAY

Điều 3.Việc cho vay ngắn hạn các tổ chức Mậu dịch quốc doanh tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

1) Ngân hàng cho vay trực tiếp các đơn vị Mậu dịch quốc doanh đã thi hành chế độ hạch toán kinh tế như các Tổng công ty, các công ty bán buôn cấp I, các công ty cấp II, và các cửa hàng bán lẻ v .v… nghĩa là các đơn vị có kế hoạch luân chuyển hàng hóa, kế hoạch tài vụ, có bảng cân đối tài sản độc lập, có tài khoản thanh toán ở Ngân hàng, có vốn luân chuyển riêng do Nhà nước cấp và được cấp trên (Bộ hay Tổng công ty) cho quyền được trực tiếp vay Ngân hàng.

2) Ngân hàng cho vay vốn theo những mục đích nhất định, có dự định trước trong kế hoạch và theo mức thực hiện kế hoạch.

3) Đơn vị vay tiền của Ngân hàng phải trả số tiền vay đúng kỳ hạn ghi trong khế ước.

4) Số tiền vay của Ngân hàng luôn luôn phải có một số vật tư (hàng hóa) trị giá tương đương để làm đảm bảo.

Điều 4.Ngoài các nguyên tắc căn bản trên, còn phải thủ tiêu các hình thức tín dụng thương mại (trừ những trường hợp Nhà nước còn cho phép như ứng trước tiền gia công, đặt hàng cho các xí nghiệp tư doanh, cho nông dân) và thay thế bằng tín dụng Ngân hàng trực tiếp.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ