Nghị định 70-HĐBT năm 1991 ban hành điều lệ về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 70-HĐBT
Ngày ban hành 25/03/1991
Ngày có hiệu lực 25/03/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ  70-HĐBT NGÀY 25-3-1991 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH TẾ, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG KINH TẾ 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh Trọng tài kinh tế ngày 10 tháng 1 năm 1990;
Theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4. Chủ tịch Trọng tài Kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH TẾ, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG KINH TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 70-HĐBT ngày 25-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Điều lệ ngày quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của các cơ quan Trọng tài kinh tế (gọi tắt là tố tụng Trọng tài kinh tế).

Mọi hoạt động tố tụng Trọng tài kinh tế phải được tiến hành theo các quy định của Pháp lệnh trọng tài kinh tế và các quy định của Điều lệ này.

Điều 2.

1. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh có nghĩa vụ yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết các tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh được giao.

3. Các đơn vị kinh tế, cơ quan, tổ chức hữu quan và Uỷ ban Nhân dân các cấp có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế kiểm tra, kết luận và xử lý hợp đồng kinh tế trái pháp luật;

Điều 3.

1. Trọng tài kinh tế có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế theo yêu cầu của một hoặc các bên.

2. Khi cần thiết Trọng tài kinh tế có quyền chủ động xem xét, giải quyết những tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.

3. Trọng tài kinh tế kiểm tra, kết luận và xử lý những hợp đồng kinh tế vi phạm pháp luật do tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của các đơn vị kinh tế, cơ quan, tổ chức hữu quan và Uỷ ban Nhân dân các cấp.

Điều 4. Quyền kháng cáo và quyền yêu cầu xem xét lại quyết định của Trọng tài kinh tế khi phát hiện tình tiết mới được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

[...]