Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 68-HĐBT ban hành Quy chế chấp hành viên do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 68-HĐBT
Ngày ban hành 06/03/1990
Ngày có hiệu lực 06/03/1990
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 68-HĐBT

Hà nội, ngày 06 tháng 3 năm 1990

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 68-HĐBT NGÀY 6-3-1990 BAN HÀNH QUY CHẾ CHẤP HÀNH VIÊN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Pháp lệnh thi hành án dân sự do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 28 tháng 8 năm 1989;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế chấp hành viên.

Điều 2. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
CHẤP HÀNH VIÊN
(Ban hành kèm theo Nghị định Số 68-HĐBT ngày 6 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng).

Chương 1:

CHẤP HÀNH VIÊN

Điều 1.

Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Toà án quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Tại các Toà án tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh); các Toà án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện) có chấp hành viên.

Điều 2. Biên chế chấp hành viên của mỗi Toà án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định, căn cứ vào khối lượng công việc thực tế của Toà án đó. Nơi nào có từ 2 chấp hành viên trở lên thì được bổ nhiệm một chấp hành viên trưởng.

Điều 3. Chấp hành viên trưởng và chấp hành viên chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án Toà án nhân dân nơi chấp hành viên cộng tác; chịu sự quản lý, kiểm tra tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp cấp trên và thực hiện các quyết định của Chánh án Toà án cấp trên theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 4.

Người được bổ nhiệm làm chấp hành viên phải có phẩm chất chính trị, trung thực, khách quan, có kiến thức pháp lý cần thiết và nắm vững nghiệp vụ thi hành án, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Người được bổ nhiệm làm chấp hành viên trưởng phải có tiêu chuẩn như chấp hành viên, đã làm chấp hành viên hoặc thẩm phán cùng cấp từ 2 năm trở lên; ngoài ra còn phải có năng lực quản lý, điều hành công việc của bộ phận thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể các tiêu chuẩn của chấp hành viên và chấp hành viên trưởng.

Điều 5. Lương và chế độ phụ cấp theo lương của chấp hành viên và chấp hành viên trưởng thực hiện theo thang bậc lương của thẩm phán cùng cấp; Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

Chương 2:

PHÙ HIỆU, CHẾ ĐỘ TRANG PHỤC THẺ CHẤP HÀNH VIÊN

Điều 6.

[...]