Nghị định 57/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển

Số hiệu 57/2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/05/2010
Ngày có hiệu lực 09/07/2010
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 57/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BIỂN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển ngày 27 tháng 8 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài và quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ; việc xử lý tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu và bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ và các vấn đề khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến tàu biển bị bắt giữ tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án có thẩm quyền để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự hoặc theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài;

2. Thả tàu biển là việc cho phép tàu biển di chuyển khi thời hạn bắt giữ tàu biển đã hết, quyết định bắt giữ tàu biển bị hủy, hoặc có quyết định của Tòa án về việc thả tàu biển đang bị bắt giữ;

3. Quyết định bắt giữ tàu biển là quyết định của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự hoặc theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài;

4. Quyết định thả tàu biển là quyết định của Tòa án có thẩm quyền thả tàu biển đang bị bắt giữ;

5. Cảng vụ là Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực, nơi tàu biển đang hoạt động hàng hải bị yêu cầu bắt giữ;

6. Bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ theo bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền là việc bán tàu biển bằng hình thức đấu giá;

7. Truy đuổi là việc sử dụng lực lượng có chức năng, nghiệp vụ phù hợp để đuổi bắt tàu biển có quyết định bắt giữ của tòa án nhưng không chấp hành quyết định bắt giữ, tự ý rời cảng hoặc tàu biển đã rời cảng trước thời điểm có quyết định bắt giữ của Tòa án, trước thời điểm Giám đốc Cảng vụ nhận được quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án.

Chương 2.

THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BIỂN, THẢ TÀU BIỂN ĐANG BỊ BẮT GIỮ

MỤC 1. THẨM QUYỀN THỰC HIỆN BẮT GIỮ TÀU BIỂN, THẢ TÀU BIỂN ĐANG BỊ BẮT GIỮ

Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc Cảng vụ

1. Giám đốc Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Giám đốc Cảng vụ có thể ủy quyền cho cấp phó hoặc trưởng, phó đại diện Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản.

2. Khi thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ theo quyết định của Tòa án;

b) Chỉ định vị trí neo đậu và đưa ra các yêu cầu hạn chế hoạt động, di chuyển đối với tàu biển bị bắt giữ; thu hồi giấy phép rời cảng nếu tàu biển đã được cấp giấy phép rời cảng;

[...]