Nghị định 53-HĐBT năm 1989 thi hành Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh, Điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 53-HĐBT
Ngày ban hành 27/05/1989
Ngày có hiệu lực 01/04/1989
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 1989

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 53-HĐBT NGÀY 27-5-1989 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NGÀY 3-3-1989 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG CÁC PHÁP LỆNH, ĐIỀU LỆ VỀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ THUẾ HÀNG HOÁ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh ngày 3 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Pháp lệnh, Điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá,

NGHỊ ĐỊNH:

I- THUẾ HÀNG HOÁ

A. THUẾ HÀNG HOÁ NỘI ĐỊA

Điều 1. - Thuế hàng hoá thu vào những nhóm hàng, mặt hàng ghi ở mục I và mục II của biểu thuế thuế hàng hoá ban hành ở điều 1 của Pháp lệnh ngày 3 tháng 3 năm 1989, do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ trong nước dưới mọi hình thức.

1. Căn cứ điều 4 của Điều lệ thuế hàng hoá, Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể mặt hàng trong một số nhóm hàng phải nộp thuế hàng hoá như sau:

- Theo điểm 15, mục I của Biểu thuế thuế hàng hoá: " Hàng tiêu dùng bằng kim khí" gồm những mặt hàng làm bằng đồng, nhôm, tôn, gang, sắt, thép hoặc hợp kim của những loại trên.

"Hàng tiêu dùng bằng gỗ cao cấp" gồm những mặt hàng cao cấp làm bằng gỗ nhóm 1, nhóm 2.

- Theo điểm 17, mục I của Biểu thuế thuế hàng hoá: "Hàng mỹ nghệ" là những mặt hàng dùng trang trí, trang sức làm bằng sành, sứ, thuỷ tinh, xương, mây, song, sơn mài, ngà voi.

2. Giá tính thuế đối với trường hợp gia công giao nguyên liệu thu hồi thành phẩm là toàn bộ giá trị sản phẩm. Đối với các trường hợp khác giá tính thuế là giá thực tế thanh toán giữa bên mua và bên bán.

3. Người nộp và thời điểm nộp thuế hàng hoá:

Trường hợp đơn vị kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đoàn thể đưa gia công hàng công nghiệp thì đơn vị và cơ quan này nộp thuế hàng hoá khi nhận hàng tại nơi gia công.

Các tổ chức, cá nhân mua gom hàng nông sản, hải sản ở địa phương nào thì nộp thuế hàng hoá khi mua hàng tại địa phương đó.

Các trường hợp khác, cơ sở sản xuất nộp thuế hàng hoá khi bán hàng.

Điều 2.- Mỗi mặt hàng chỉ chịu thuế hàng hoá một lần từ khi sản xuất cho đến khi tiêu thụ. Mặt hàng thuộc loại chịu thuế hàng hoá làm bằng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm đã nộp thuế hàng hoá ở cơ sở sản xuất trước thì khi thu thuế hàng hoá ở cơ sở sản xuất sau được trừ số thuế hàng hoá đã nộp ở cơ sở sản xuất trước, nếu có chứng từ hợp lệ.

Hàng công nghiệp sản xuất trong nước để xuất khẩu thì không phải nộp thuế hàng hoá nội địa, nhưng phải nộp thuế doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hàng không phải để xuất khẩu nhưng chưa nộp thuế hàng hoá thì phải truy thu phần chênh lệch thuế hàng hoá.

Điều 3. - Đối với hàng nông sản, hải sản xuất khẩu mậu dịch đã nộp thuế hàng hoá nội địa thì khi xuất khẩu được thoái trả cho đơn vị xuất khẩu, nếu có biên lai đã nộp thuế hàng hoá. Nguồn thoái trả là ngân sách Trung ương. Bộ Tài chính quy định thủ tục bảo đảm thoái trả kịp thời khi hàng hoá thực tế xuất khẩu.

B. THUẾ HÀNG HOÁ ĐỐI VỚI HÀNG ĐƯỢC PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHI MẬU DỊCH.

Điều 4. - Hàng do Việt Nam sản xuất bằng nguyên liệu, vật liệu ngoại nhập, nộp thuế xuất khẩu phi mậu dịch theo quy định tại điểm 1, mục III của Biểu thuế thuế hàng hoá do Hội đồng Nhà nước ban hành tại Pháp lệnh ngày 3 tháng 3 năm 1989 bao gồm các mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu, vật liệu chính nhập ngoại.

Điều 5. - Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài khi xuất cảnh hoặc nhập cảnh qua biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải nộp thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch đối với hành lý mang theo trong tiêu chuẩn do Tổng cục Hải quan Việt Nam quy định.

Điều 6. - Các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chính sách thuế xuất, nhập khẩu phi mậu dịch theo quy định tại Quyết định số 131-HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 7. - Bên nước ngoài vào Việt Nam tham gia các hình thức đầu tư và cá nhân hoặc gia đình người nước ngoài làm việc trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi nhập cảnh vào Việt Nam có tạm nhập các hàng hoá phục vụ cho sinh hoạt và làm việc trong thời gian ở Việt Nam và tái xuất khi hết thời hạn ở Việt Nam thì được miễn thuế hàng hoá hàng nhập khẩu phi mậu dịch.

Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn và quy định cụ thể danh mục, số lượng từng mặt hàng được tạm nhập và tái xuất của các đối tượng trên.

II- THUẾ DOANH NGHIỆP

Điều 8. - Căn cứ quy định tại điều 4 của điều lệ thuế công thương nghiệp, việc sắp xếp các ngành nghề kinh doanh vào các bậc thuế suất thuế doanh nghiệp ghi trong điều 3 của Pháp lệnh ngày 3 tháng 3 năm 1989, theo các nguyên tắc sau:

[...]