Nghị định 43-NĐ năm 1958 về các giấy tờ để chứng minh căn cước khi lĩnh tiền chuyển bằng thư chuyển tiền tại bưu điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

Số hiệu 43-NĐ
Ngày ban hành 15/05/1958
Ngày có hiệu lực 30/05/1958
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Nguyễn Hữu Mai
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Quyền dân sự

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-NĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1958 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CÁC GIẤY TỜ ĐỂ CHỨNG MINH CĂN CƯỚC KHI LĨNH TIỀN CHUYỂN BẰNG THƯ CHUYỂN TIỀN TẠI BƯU ĐIỆN

 BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Căn cứ nghị định 124-NĐ ban hành ngày 26/11/1956 và nghị định số 130-NĐ ngày 29/5/1957 quy định về các giấy tờ để lĩnh tiền thư chuyển tiền tại Bưu điện.
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Bưu điện chịu trách nhiệm bảo đảm số tiền gửi bằng thư chuyển tiền từ khi nhận ở người gửi tới khi trả cho người có quyền lĩnh.

Điều 2. - Trường hợp Bưu điện đã trả tiền cho người lĩnh tiền có đủ giấy tờ như đã quy định mà sau phát hiện người lĩnh tiền là kẻ gian đã dùng giấy tờ giả, gian lậu để lĩnh tiền thì Bưu điện có trách nhiệm phải hoàn lại số tiền cho người có quyền hưởng không chậm quá thời hạn hai tháng, kể từ ngày gửi hoặc người nhận khiếu nại.

Điều 3. - Trường hợp Bưu điện cho lĩnh tiền nhầm nhưng do lỗi của người gửi hay người nhận gây ra như viết họ tên sai, trùng tên, trùng địa chỉ, trùng nghề nghiệp thì đương sự phải trực tiếp thương lượng với người đã lĩnh tiền để đòi lại. Bưu điện chỉ có trách nhiệm cung cấp giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của đương sự để đương sự dùng làm bằng chứng đòi lại tiền.

Điều 4. - Nay bổ sung nghị định số 130-NĐ ban hành ngày 29/5/1957 về giấy tờ để lĩnh tiền thư chuyển tiền tại Bưu điện như sau:

Được miễn xuất trình giấy giới thiệu nói trong những điều 2 và 3 của nghị định 130-NĐ nếu người đến lĩnh tiền có một trong những giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng minh thư do cơ quan cấp.

- Giấy chứng nhận lái xe ô tô, xe lửa, canô, tàu thủy, phi cơ.

- Giấy phép mang súng.

- Thẻ Quốc hội.

- Giấy thông hành ra nước ngoài.

Các giấy tờ này phải có số thứ tự, họ tên, nghề nghiệp và chức vụ (nếu có), chữ ký, nhận dạng, ảnh của người có tên trong giấy, dấu, chữ ký của thủ trưởng cơ quan cấp, dấu của cơ quan cấp đóng chùm một nửa lên ảnh và một nửa vào giấy.

Thời hạn có gái trị lĩnh tiền của các giấy tờ này là thời hạn có giá trị ghi trên giấy.

Những giấy tờ này có giá trị để lĩnh tiền thư chuyển tiền, thư bảo đảm và bưu kiện tại các Bưu cục.

Điều 5. - Ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

K. T.  BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG

 


Nguyễn Hữu Mai