Nghị định 124-NĐ năm 1956 về việc ấn định giá trị thời hạn thư chuyển tiền và thể thức lĩnh tiền của thư chuyển tiền do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

Số hiệu 124-NĐ
Ngày ban hành 26/11/1956
Ngày có hiệu lực 11/12/1956
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Nguyễn Hữu Mai
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 124-NĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1956 

 

NGHỊ ĐỊNH

ẤN ĐỊNH GIÁ TRỊ THỜI HẠN THƯ CHUYỂN TIỀN VÀ THỂ THỨC LĨNH TIỀN CỦA THƯ CHUYỂN TIỀN 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Chiếu nghị quyết của Hội đồng Chính phủ họp tháng 10 năm 1955, tách Bộ Giao thông và Bưu điện;
Chiếu nghị định số 112-NĐ ngày 10 tháng 3 năm 1955 mở công vụ thư chuyền tiền;
Theo đề nghị của ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Thư chuyển tiền có giá trị trong một năm kể từ ngày phát hành. Trong thời hạn đó, thư chuyển tiền có thể được lĩnh bất kỳ lúc nào không phải gia hạn, cước gia hạn quy định trong điều 3 của nghị định 112-NĐ nay hủy bỏ.

Quá thời hạn một năm, thư chuyển tiền xem như hoàn toàn vô giá trị và số tiền đã gửi thuộc quyền sở hữu của Quốc gia.

Điều 2. Trong vòng một năm kể từ ngày phát hành thư chuyển tiền, người gửi hay người nhận có thể hỏi tin tức hay khiếu nại về thư chuyển tiền do mình gửi đi hay gửi đến cho mình.

Điều 3. Các thư chuyển tiền bị thất lạc được thay thế bằng các lệnh trả tiền. Lệnh trả tiền có giá trị trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành lệnh trả tiền và được lĩnh như các thư chuyển tiền.

Điều 4. Lệnh trả tiền ưu tiên cấp cho người gửi, nếu cả người gửi và người nhận cùng khiếu nại, nhưng có thể cấp cho người nhận nếu người gửi yêu cầu. Lệnh trả tiền cũng có thể cấp cho người nhận, trong trường hợp người này yêu cầu và người gửi không có ý kiến gì.

Điều 5. Trường hợp thư chuyển tiền bị thất lạc, ngoài việc cấp lệnh trả tiền thay thế, Bưu điện không chịu trách nhiệm về mọi tổn thất do sự thất lạc đó gây nên.

Điều 6. Muốn lĩnh thư chuyển tiền hay lệnh trả tiền, người gửi hay người nhận phải xuất trình một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy cho phép đi lại trong tỉnh do Ủy ban Hành chính xã hoặc khu phố cấp (theo thông tư ngày 20-12-1954 của Bộ Công an về thể thức tự do đi lại).

b) Giấy thông hành cho phép đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác hay khu khác do Quận Công an thành phố, Đồng Công an thị xã, thị trấn hay Công an huyện cấp (theo thông tư ngày 20-12-1954).

Các giấy tờ trên đều có giá trị để lĩnh tiền thư chuyển tiền trong một năm kể từ ngày cấp giấy.

Điều 7. Đối với cán bộ, công nhân viên có thẻ dùng chứng minh thư do cơ quan hoặc xí nghiệp quốc doanh nơi mình công tác cấp để lĩnh tiền thư chuyển tiền.

Chứng minh thư phải có ảnh hoặc nhận dang, có số dấu của cơ quan, xí nghiệp, chữ ký của Thủ trưởng và chữ ký của người được cấp giấy.

Thời hạn có giá trị của chứng minh thư để lĩnh tiền thư chuyển tiền là thời hạn có giá trị đã ghi trong chứng minh thư. Nếu trong chứng minh thư không ghi thời hạn có giá trị thì chứng minh thư đó cũng được dùng để lĩnh tiền thư chuyển tiền trong thời hạn một năm, kể từ ngày cấp giấy.

Điều 8. Đối với học sinh có thể dùng thẻ học sinh có dán ảnh hoặc nhận dạng do nhà trường cấp có dấu và chữ ký của Hiệu trưởng để chứng minh căn cước khi lĩnh tiền.

Điều 9. Nếu không có một trong những giấy tờ kể ở các điều trên, người nhận tiền có thể mang giấy báo lĩnh của bưu điện có kèm giấy giới thiệu của Ủy ban Hành chính địa phương, hay cơ quan, xí nghiệp quốc doanh, nhà trường nơi người đó công tác hay nơi học.

Điều 10. Nếu người gửi hay người nhận là người quen biết với nhân viên bưu điện phụ trách trả tiền thì được lĩnh tiền mà không cần xuất trình các giấy tờ trên, nhưng trường hợp gian dối xảy ra thì nhân viên bưu điện phải bồi thường.

Điều 11. Trường hợp người xin lĩnh tiền không có giấy tờ gì chứng minh căn cước thì có thể mượn một người làm chứng để được lĩnh.

Người làm chứng phải có một trong những giấy tờ nói ở các điều trên để chứng minh căn cước.

Điều 12. Nếu người lĩnh tiền vì bận không trực tiếp tới bưu điện để lĩnh tiền được thì có thể ủy quyền người khác đến lĩnh thay.

Người được ủy quyền phải có giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban Hành chính hay cơ quan, xí nghiệp quốc doanh nơi người ủy quyền công tác và người được ủy quyền cũng phải có giấy tờ để chứng minh căn cước mới được lĩnh tiền.

Điều 13. Đối với bộ đội thì việc lĩnh tiền quy định như sau:

- Nếu là bộ đội thuộc các Trung đoàn độc lập, ở Bộ Tổng tư lệnh, ở Bộ Tư lệnh liên khu hoặc ở các tỉnh đội, huyện đội khi lĩnh tiền thư chuyển tiền phải có giấy giới thiệu hay chứng minh thư của đơn vị nơi mình công tác.

- Nếu là bộ đội đi công tác hay đi nghỉ phép, khi lĩnh tiền thư chuyển tìen, ngoài chứng minh thư ra, còn phải xuất trình cả giấy đi công tác hay giấy nghỉ phép nữa.

[...]