Nghị định 43/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Điều 62 và Điều 72 của Luật Dạy nghề

Số hiệu 43/2008/NĐ-CP
Ngày ban hành 08/04/2008
Ngày có hiệu lực 05/05/2008
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 62 VÀ ĐIỀU 72 CỦA LUẬT DẠY NGHỀ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 62 và Điều 72 của Luật Dạy nghề về chính sách đối với giáo viên dạy nghề và chính sách đối với giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Giáo viên giảng dạy trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục khác có đăng ký hoạt động dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề) công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật trong các cơ sở dạy nghề, các lớp dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, khuyết tật.

Cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, khuyết tật là cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề có từ 70% trở lên số học viên là người tàn tật, khuyết tật.

3. Giáo viên dạy nghề trong các lớp dạy nghề hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật trong các cơ sở dạy nghề.

Lớp dạy nghề hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật là lớp dạy nghề có từ 5% đến dưới 70% số học viên là người tàn tật, khuyết tật.

Điều 3. Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp

1. Nguồn kinh phí để chi trả các khoản phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và phụ cấp đặc thù cho giáo viên thuộc cơ sở dạy nghề công lập, được sử dụng từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định của Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 về quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nguồn kinh phí để chi trả các khoản phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và phụ cấp đặc thù trả cho giáo viên thuộc các cơ sở dạy nghề tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng nguồn thu từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (nếu có) theo quy định của Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương II

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ

Điều 4. Chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách tiền lương, chính sách đối với giáo viên dạy nghề giảng dạy tại các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

1. Giáo viên dạy nghề được hưởng chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách tiền lương quy định tại Điều 80 và Điều 81 của Luật Giáo dục 2005.

2. Giáo viên dạy nghề giảng dạy ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Điều 82 của Luật Giáo dục 2005.

Điều 5. Điều kiện hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Giáo viên dạy nghề (kể cả giáo viên tập sự, thử việc) được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong các trường hợp sau đây:

1. Dạy thực hành tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở dạy nghề với những nghề có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

a. Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc bụi độc, dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;

[...]