Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh

Số hiệu 35/2020/NĐ-CP
Ngày ban hành 24/03/2020
Ngày có hiệu lực 15/05/2020
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẠNH TRANH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết các Điều 9, 10, 13, 26, 31, 32, 33, 36, 56 và 82 của Luật Cạnh tranh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp bị mua lại;

b) Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó;

c) Doanh nghiệp mua lại có một trong các quyền sau:

- Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại;

- Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại;

- Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

2. Nhóm doanh nghiệp liên kết về tổ chức và tài chính (sau đây gọi chung là nhóm doanh nghiệp liên kết) là nhóm các doanh nghiệp cùng chịu sự kiểm soát, chi phối của một hoặc nhiều doanh nghiệp trong nhóm hoặc có bộ phận điều hành chung.

3. Mức thị phần là giá trị bằng số của thị phần của một doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo Điều 10 Luật Cạnh tranh, ví dụ doanh nghiệp có thị phần trên thị trường liên quan là 30 phần trăm (30%) thì mức thị phần của doanh nghiệp đó là 30.

4. Tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan được tính theo công thức sau:

Tổng bình phương mức thị phần = S12 + S22 + … S(n)2

Trong đó: S1,.. S(n) là mức thị phần tương ứng của doanh nghiệp thứ 1 đến doanh nghiệp thứ n.

Ví dụ: Trên cùng một thị trường liên quan có 3 doanh nghiệp có thị phần tương ứng là 30%, 30% và 40%. Tổng bình phương mức thị phần của 3 doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định là 302 + 302 + 402 = 3400.

5. Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường là những yếu tố gây cản trở sự gia nhập, mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

Chương II

XÁC ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LIÊN QUAN VÀ THỊ PHẦN

Mục 1. XÁC ĐỊNH THỊ TRƯỜNG LIÊN QUAN

[...]