Nghị định 34/2000/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Số hiệu 34/2000/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/08/2000
Ngày có hiệu lực 02/09/2000
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2000

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 34/2000/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2000 VỀ QUY CHẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tư, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Nghị định này quy định khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định các hoạt động của người, phương tiện ở khu vực biên giới bao gồm: cư trú, đi lại, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác; quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền, các lực lượng, các ngành trong quản lý, bảo vệ biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2.

1. Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là khu vực biên giới) bao gồm các xã, phường, thị trấn có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

Mọi hoạt động trong khu vực biên giới phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.

Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác với Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới quốc gia thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Trong khu vực biên giới có vành đai biên giới, ở những nơi có yêu cầu cần thiết bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và kinh tế thì xác lập vùng cấm.

a) Vành đai biên giới là phần lãnh thổ nằm tiếp giáp với đường biên giới quốc gia có chiều sâu tính từ đường biên giới trở vào nơi hẹp nhất là 100 m, nơi rộng nhất không quá 1.000 m, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.

b) Vùng cấm là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới được áp dụng một số biện pháp hành chính để hạn chế việc cư trú, đi lại, hoạt động của công dân.

c) Khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm phải có biển báo; biển báo theo mẫu thống nhất và cắm ở nơi cần thiết, dễ nhận biết.

3. Phạm vi cụ thể của vành đai biên giới, vùng cấm do ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xác định sau khi đã thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ngành hữu quan và báo cáo Chính phủ.

Điều 3.

Bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và mọi công dân.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ CƯ TRÚ, ĐI LẠI, HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI

Điều 4.

1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới:

a) Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới.

b) Người có giấy phép của cơ quan Công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới.

c) Người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trụ sở làm việc thường xuyên ở khu vực biên giới.

2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới:

[...]