Nghị định 23-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ

Số hiệu 23-CP
Ngày ban hành 18/04/1996
Ngày có hiệu lực 18/04/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 23-CP NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng Nghị định này được quy định như sau:

1- Đối với người lao động nữ:

a) Người lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu;

b) Người lao động nữ làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước mà không phải là công chức, viên chức Nhà nước; nếu là công chức, viên chức Nhà nước thì phải là những người được làm những việc mà quy chế công chức không cấm;

c) Người lao động nữ làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ;

d) Người lao động nữ làm việc trong các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác mà không phải là cán bộ chuyên trách của đoàn thể, tổ chức đó;

e) Người lao động nữ là người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

g) Người lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam mà không phải là công chức, viên chức Nhà nước.

2- Đối với người sử dụng lao động nữ:

a) Mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động nữ thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu bao gồm: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, tổ hợp tác có thuê lao động; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; cá nhân, tổ chức cơ quan nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam.

b) Các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội khác có thuê lao động nữ.

Điều 2. Về quyền làm việc bình đẳng của phụ nữ trong quan hệ lao động theo khoản 1, Điều 109 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:

Quyền làm việc bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thuộc mọi tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trên các lĩnh vực; tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, nâng bậc lương, đề bạt, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện lao động và an toàn lao động, các chế độ phúc lợi về vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khoẻ.

Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng về các lĩnh vực nêu trên trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế để tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt công tác xã hội, chức năng làm mẹ và bù đắp một phần các khoản chi thêm do sử dụng lao động nữ.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Về chế độ làm việc của lao động nữ theo khoản 1, Điều 109 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:

Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện làm việc, tính chất công việc của doanh nghiệp, người sử dụng lao động nữ chủ động bàn với công đoàn lập kế hoạch bố trí lao động nữ theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc làm tại nhà, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm thường xuyên, phù hợp với nguyên vọng chính đáng của lao động nữ.

Điều 4. Doanh nghiệp sử dụng lao động nữ phải chủ động nghiên cứu những nghề mà người lao động nữ không thể làm việc liên tục cho đến tuổi về hưu, lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 90/CP, ngày 15 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về học nghề.

Điều 5. Doanh nghiệp có đủ một trong hai điều kiện sau đây là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ:

1/ Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 đến 100 lao động nữ và có số lao động nữ từ 50% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

[...]