Nghị định 19-CP năm 1968 về chính sách đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 19-CP
Ngày ban hành 03/02/1968
Ngày có hiệu lực 18/02/1968
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 19-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 1968

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ANH HÙNG, CHIẾN SĨ THI ĐUA

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để tỏ lòng quý trọng và chăm sóc của Nhà nước đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua, tinh hoa của dân tộc và là lực lượng ưu tú của quần chúng;

Để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua tạo điều kiện để anh hùng và chiến sĩ thi đua phát huy mạnh mẽ hơn nữa tác dụng đầu tàu, hạt nhân trong phong trào thi đua yêu nước;

Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 11 tháng 01 năm 1968.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành chính sách đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua, kèm theo nghị định này.

Điều 2. Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính khu tự trị, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

CHÍNH SÁCH

ĐỐI VỚI ANH HÙNG VÀ CHIẾN SĨ THI ĐUA
(ban hành kèm theo nghị định số 19-CP ngày 03-02-1968 của Hội đồng Chính phủ )

Anh hùng và chiến sĩ thi đua là tinh hoa của dân tộc, là người tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, là lực lượng tiên tiến nhất trong sản xuất, chiến đấu, công tác và là lực lượng quan trọng để đào tạo  thành cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua là yêu cầu cấp thiết không những để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chống Mỹ mà còn là để thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước. Hội đồng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các ngành, các cấp phải hết sức chú ý chăm lo bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua và đã ban hành một số quy định về vấn đề này.

Để đẩy mạnh việc bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua và để quán triệt đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và quản lý anh hùng và chiến sĩ thi đua, Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Về đào tạo, bồi dưỡng.

Đào tạo và bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua là nhằm mục đích giúp anh chị em phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực cánh sinh, nâng cao không ngừng trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, luôn luôn dẫn đầu và làm hạt nhân trong phong trào thi đua yêu nước. Do đó, việc bồi dưỡng phải được thực hiện với tinh thần tích cực, khẩn trương và thường xuyên, có kế hoạch và biện pháp cụ thể.

Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, bao gồm mọi mặt: chính trị và tư tưởng, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, chủ yếu là bồi dưỡng về chính trị và tư tưởng nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, giữ vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời hết sức coi trọng bồi dưỡng trình độ văn hóa, khoa học-kỹ thuật và nghiệp vụ (nhất là đối với anh chị em mà trình độ văn hóa còn thấp) để họ có đủ kiến thức làm việc tốt hơn nữa.

Việc bồi dưỡng có thể làm bằng nhiều hình thức như học tại chức, học ngắn hạn, học dài hạn theo hệ chính quy ở trong và ngoài nước, đi tham quan ở trong và ngoài nước, dự các hội nghị chuyên đề hoặc tổng kết về kỹ thuật và nghiệp vụ, cung cấp sách báo, tài liệu để nghiên cứu v.v…; nhưng chủ yếu và thường xuyên là động viên anh chị em nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, tổ chức tốt việc tự học, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự rèn luyện mình trong thực tế sản xuất, chiến đấu và công tác, biết dựa vào sự giúp đỡ của tập thể mà nâng cao không ngừng trình độ về mọi mặt.

Việc bồi dưỡng phải có kế hoạch cụ thể: yếu về mặt nào thì bồi dưỡng về mặt ấy trước và phải sát với từng loại đối tượng (công nhân, nông dân tập thể, trí thức) thích hợp với từng lứa tuổi và với trình độ khác nhau. Hết sức chú ý đến các anh hùng, chiến sĩ thi đua nữ, miền Nam tập kết và công tác ở miền núi.

Cần chú ý những điểm cụ thể sau đây:

- Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, hàng năm (kết hợp với các kỳ sơ kết, tổng kết) cần tổ chức gặp gỡ đông đủ anh hùng và đại biểu các chiến sĩ thi đua để nhắc nhở anh chị em thấy rõ hơn nữa trách nhiệm và vinh dự của mình, động viên anh chị em phấn khởi, hăng hái nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu, giúp anh chị em nắm vững nhiệm vụ của ngành hoặc địa phương để vận dụng vào thực tế được sáng tạo. Ngoài ra, mỗi khi ngành và địa phương có những nhiệm vụ bất thường và khẩn trương, cần thông báo cho anh chị em rõ tình hình, đặt rõ yêu cầu để anh chị em thông suốt chủ trương, tích cực và gương mẫu cùng với quần chúng thi đua hoàn thành nhiệm vụ.

- Đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua mà trình độ văn hóa còn thấp hoặc quá thấp, cần có kế hoạch giúp đỡ tích cực và cụ thể: quy định rõ thời gian nào phải học xong cấp I, thời gian nào phải học xong cấp II; thu xếp cho anh chị em được đi học ở các lớp bổ túc văn hóa tập trung, đi học các lớp chuyên tu hoặc chuyên nghiệp trung cấp, rồi dần dần nâng lên trình độ cao hơn. Thời gian học tập trung về kỹ thuật, nghiệp vụ không nên kéo dài, học xong một chương trình thì trở về sản xuất một thời gian, sau đó lại đi học tiếp.

- Đối với anh chị em mà khả năng có thể phát triển nhanh hoặc tuổi đời còn trẻ thì nên cho theo học các lớp dài hạn tập trung.

- Đối với các anh hùng và chiến sĩ thi đua đang thí nghiệm cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật hoặc đang nghiên cứu những đề tài khoa học-kỹ thuật thì cơ sở cần giúp đỡ kịp thời và thiết thực, chú ý cung cấp tài liệu, phương tiện thí nghiệm, cử cán bộ có trình độ khá về kỹ thuật, chuyên môn và có kinh nghiệp giúp đỡ v.v… Nếu xét thấy dự án đó có giá trị phổ biến rộng rãi thì cơ sở cần báo cáo kịp thời lên cơ quan khoa học, kỹ thuật cấp trên để có sự giúp đỡ thêm.

2. Về sử dụng, đề bạt.

Trong việc sử dụng, cần bố trí anh chị em vào những vị trí sát nhất với thực tế sản xuất, công tác và chiến đấu. Nếu anh chị em được giao những nhiệm vụ khó khăn, mới mẻ thì sự bồi dưỡng, giúp đỡ càng phải tích cực hơn để anh chị em có đủ khả năng vươn lên, phát huy tác dụng của mình. Cần hết sức tránh giao một lúc quá nhiều công tác, quá nhiều chức vụ, sinh ra tình trạng anh chị em đó phải hội họp liên miên, xa rời cơ sở hoặc bố trí vào những công tác trái nghề, không hợp với sở trường của anh chị em. Trong trường hợp cần bố trí anh chị em vào cương vị lãnh đạo thì phải nghiên cứu kỹ trình độ, khả năng để sắp xếp cho phù hợp với khả năng thực tế.

[...]