Nghị định 172/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng

Số hiệu 172/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/11/2007
Ngày có hiệu lực 20/12/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 172/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/2005/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIỐNG CÂY TRỒNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24 tháng 03 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 01 tháng 07 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng

1. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Vi phạm các quy định về xác lập quyền đối với giống cây trồng.

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về việc giữ bí mật các thông tin liên quan đến đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng của người nộp đơn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Làm sai lệch kết quả thẩm định dẫn đến việc cấp, từ chối cấp, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng;

b) Công bố kết quả khảo nghiệm DUS về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định không đúng sự thật;

c) Không thực hiện đúng quy phạm khảo nghiệm DUS đối với giống đăng ký khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc chấp nhận.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng sau:

a) Sản xuất hoặc nhân giống;

b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;

c) Chào hàng;

d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường;

đ) Xuất khẩu;

e) Nhập khẩu;

g) Lưu giữ để thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này;

h) Thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ;

i) Thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng không có sự khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ;

k) Thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này đối với giống cây trồng có nguồn gốc từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác.

4. Hình thức phạt bổ sung

Tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; điểm a, c khoản 2 Điều này;

[...]