Nghị định 170-HĐBT năm 1988 quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong nông, lâm, ngư nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 170-HĐBT
Ngày ban hành 14/11/1988
Ngày có hiệu lực 14/11/1988
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 170-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1988

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 170-HĐBT NGÀY 14-11-1988 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KINH TẾ CÁ THỂ, XÍ NGHIỆP TƯ DOANH TRONG NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Để thể chế hoá các chủ trương mới đã nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề sử dụng và khuyến khích các hộ kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong nông, lâm, ngư nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong nông, lâm, ngư nghiệp.

Điều 2. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này thi hành kể từ ngày ban hành.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KINH TẾ CÁ THỂ, XÍ NGHIỆP TƯ DOANH TRONG NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Nghị định số 170-HĐBT ngày 14-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng)

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ban hành ngày 5-4-1988, Hội đồng Bộ trưởng quy định chính sách đối với hộ kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Nhà nước công nhận sự tồn tại và tác dụng tích cực của các hộ kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp) trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, khuyến khích các thành phần kinh tế này bỏ vốn, sức lao động, kỹ thuật, khả năng quản lý vào phát triển mạnh mẽ nông, ngư nghiệp, góp phần xây dựng đất nước.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế này phát triển sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác lâm sản, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và mở mang ngành nghề không hạn chế quy mô kinh doanh (các hộ cá thể, xí nghiệp tư doanh làm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, làm dịch vụ sản xuất thực hiện các chính sách quy định trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị định số 27-HĐBT ngày 9-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng).

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền thừa kế, bán nhượng tài sản và thu nhập hợp pháp của các hộ kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh, thừa nhận tư cách pháp nhân và địa vị pháp lý bình đẳng của họ trước pháp luật. Các quyền lợi về xã hội của người làm kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh và con họ được pháp luật bảo hộ.

Điều 2.

Các hộ kinh tế cá thể, xí nghiệp tư doanh trong nông, lâm, ngư nghiệp có tư liệu sản xuất, có vốn và kỹ thuật thuộc quyền sở hữu của mình, được Nhà nước giao quyền sử dụng đất đai theo Luật Đất đai để tổ chức sản xuất kinh doanh. Các đơn vị kinh tế này được tổ chức dưới các hình thức sau đây:

Hộ kinh tế cá thể làm kinh tế nông, lâm nghiệp hay nuôi trồng thuỷ sản tự tổ chức sản xuất kinh doanh, có thể thuê thêm lao động thời vụ.

Tư liệu sản xuất, vốn và kỹ thuật thuộc sở hữu của người đứng ra kinh doanh.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, phần thu nhập còn lại thuộc sở hữu của hộ kinh tế cá thể.

Xí nghiệp tư doanh, là đơn vị kinh doanh do một hoặc nhiều hộ tư nhân cùng góp tư liệu sản xuất, vốn và kỹ thuật để tổ chức sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức như xí nghiệp tư doanh hay công ty tư doanh với quy mô không hạn chế.

Các xí nghiệp này được thuê lao động (cả lao động nghiệp vụ, lao động kỹ thuật) theo yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của mình, hoặc nhận đấu thầu của các đơn vị khác để kinh doanh.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, phần thu nhập còn lại thuộc sở hữu của chủ xí nghiệp.

[...]