Nghị định 14-CP năm 1993 Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn

Số hiệu 14-CP
Ngày ban hành 02/03/1993
Ngày có hiệu lực 02/03/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Đầu tư,Tiền tệ - Ngân hàng

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ  14-CP NGÀY 2-3-1993  BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH CHO HỘ SẢN XUẤT VAY VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG-LÂM-NGƯ-DIÊM NGHIỆP VÀ KINH TẾ NÔNG THÔN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính ngày 24 tháng 5 năm 1990;
Căn cứ vào kết quả và những kinh nghiệm tổng kết sau 1 năm làm thử cho vay vốn đến hộ sản xuất theo chỉ thị số 202-CT ngày 28-6-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ);
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

Điều 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH CHO HỘ SẢN XUẤT VAY VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG-LÂM-NGƯ-DIÊM NGHIỆP VÀ KINH TẾ NÔNG THÔN.
(Ban hành kèm theo nghị định số 14-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ).

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hộ sản xuất trong quy định này bao gồm các hộ nông dân, hộ tư nhân, cá thể, công ty cổ phần, các tổ chức hợp tác và các doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong các ngành nông- lâm-ngư-diêm nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

Điều 2. các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện thì được ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay bổ sung vốn để sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Điều 3. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay ngắn hạn trực tiếp đến hộ sản xuất, từng bước mở rộng việc cho vay trung hạn và dài hạn để phát triển cây dài ngày, chăn nuôi gia súc, mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp nông thôn v.v.

Điều 4. Thực hiện cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, bảo đảm nguyên tắc có hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân biệt thành phần kinh tế, ưu tiên cho vay để thực hiện các dự án do Chính phủ chỉ định; chú trọng cho vay đối với hộ nghèo, các hộ ở vùng núi cao, hải đảo, vùng xa, vùng sâu, vùng kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc Khơ me tập trung.

PHẠM VI VÀ ĐIỀU KIỆN VAY VỐN

Điều 5. Vốn vay được sử dụng vào các mục đích sau:

- Sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp.

- Dịch vụ sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

- Tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn.

Điều 6. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế của từng loại hộ xin vay vốn để quy định mức độ và hình thức thế chấp, tín chấp hoặc bảo lãnh thích hợp. Đối với những hộ nông dân nghèo không có tài sản thế chấp thì có thể áp dụng hình thức tín chấp của Uỷ ban Nhân dân xã, ấp hoặc các tổ chức kinh tế - xã hội, các hội nghề nghiệp, nhóm liên gia, các đoàn thể quần chúng... Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các quy định về thế chấp, tín chấp, tạo thuận lợi cho các hộ nông dân vay vốn kịp thời vụ.

NGUỒN VỐN, HÌNH THỨC VÀ LÃI SUẤT CHO VAY

Điều 7. Nguồn vốn cho vay bao gồm các nguồn chủ yếu sau đây:

- Huy động vốn của nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài bằng các hình thức thích hợp.

[...]