Nghị định 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Số hiệu 138/2007/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/08/2007
Ngày có hiệu lực 19/09/2007
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 138/2007/NĐ-CP

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 02 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 5 năm 2004;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển  địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Vốn hoạt động” là tổng số vốn chủ sở hữu và vốn huy động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại một thời điểm.

2. "Đầu tư trực tiếp vào các dự án" là việc Quỹ đầu tư phát triển địa phương sử dụng vốn hoạt động của mình để đầu tư vào các dự án; trong đó, Quỹ có thể trực tiếp quản lý dự án theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

3. “Cho vay hợp vốn” là việc Quỹ đầu tư phát triển địa phương và các tổ chức khác cùng cho vay vốn đầu tư một dự án, trong đó Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc một tổ chức khác đứng ra làm đầu mối phối hợp và thực hiện cho vay.

Điều 3. Địa vị pháp lý của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương là một tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển. Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Tên gọi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương là: Quỹ đầu tư phát triển, ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 4. Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện các hoạt động sau:

1. Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

2. Đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;

3. Ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận uỷ thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo uỷ quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Điều 5. Quản lý của Nhà nước đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương, quy định về tổ chức bộ máy, phê duyệt Điều lệ hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, trực tiếp quản lý hoạt động và quyết định các vấn đề khác của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định này và pháp luật hiện hành.

[...]