Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 120/1997/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Số hiệu 120/1997/NĐ-CP
Ngày ban hành 27/12/1997
Ngày có hiệu lực 01/01/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 120/1997/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 120/1997/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1997 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ "Quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước";
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh bao gồm:

Chi cho công tác quốc phòng, an ninh thuộc nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ;

Chi cho công tác quốc phòng, an ninh ở các cơ quan Trung ương và các địa phương. Khoản chi này được tính trong dự toán ngân sách của các cơ quan và của địa phương.

Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn nội dung chi tiết từng nhiệm vụ chi cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Mọi khoản thu từ lĩnh vực quốc phòng, an ninh đều phải nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ những khoản thu được Chính phủ cho phép để lại chi theo chế độ.

Điều 3. Mọi khoản chi trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đều phải kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với đặc thù quốc phòng, an ninh và tính chất, nội dung từng khoản chi.

Điều 4. Lập, chấp hành, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được thực hiện theo từng cấp dự toán.

Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý ngân sách của các đơn vị trực thuộc. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ thực hiện quản lý đến đơn vị dự toán cấp 2 được quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

Chương 2:

LẬP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 5. Căn cứ để lập dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:

Định hướng xây dựng và phát triển lực lượng quốc phòng, an ninh chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong phạm vi kế hoạch 5 năm và các mục tiêu lâu dài của Đảng và Nhà nước;

Nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh;

Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ;

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm sau; Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về lập dự toán ngân sách và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ;

Tình hình thực hiện dự toán ngân sách các năm trước;

Số kiểm tra về dự toán ngân sách do cơ quan có thẩm quyền thông báo;

Quân số, biên chế, trang bị, khối lượng xây dựng, bảo quản trong năm;

Chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành.

Điều 6. Yêu cầu đối với dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:

1. Dự toán ngân sách năm phải lập theo đúng quy định, mẫu biểu báo cáo và thời gian do Bộ Tài chính hướng dẫn; phải thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi, kể cả các khoản thu được để lại bổ sung ngân sách và chi tiết các khoản chi từ nguồn thu này;

2. Dự toán ngân sách năm phải kèm theo báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán. Những khoản chi có yêu cầu bảo mật cao theo quy định của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là "khoản chi có yêu cầu bảo mật cao") chỉ ghi số tổng hợp, không thuyết minh chi tiết.

[...]