CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
114/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TẠI
CÁC CƠ SỞ QUẢN LÝ NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI BÁN DÂM VÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA
TUÝ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc
phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội
vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị định này quy định các chế độ
phụ cấp đối với người làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người
bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Cán bộ, viên chức và người
làm việc theo chế độ hợp đồng, điều động, biệt phái từ 03 tháng trở lên (sau
đây gọi chung là cán bộ, viên chức) làm công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ,
phục vụ trong các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau
cai nghiện ma tuý quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ sở quản lý người nghiện ma
túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy bao gồm:
a) Cơ sở chữa bệnh được thành lập
theo Điều 26 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02
tháng 7 năm 2002;
b) Cơ sở tổ chức, quản lý, dạy
nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại các địa phương
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cho phép thực hiện thí điểm theo quy định
tại Điều 2 Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6
năm 2003 của Quốc hội.
Các cơ sở được quy định tại điểm
a và điểm b khoản 2 Điều này bao gồm các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động
Xã hội; các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai
nghiện ma túy (sau đây gọi chung là Trung tâm).
3. Các cơ sở bảo trợ xã hội của
Nhà nước không áp dụng theo quy định của Nghị định này.
Điều 3.
Nguyên tắc áp dụng và cách tính các loại phụ cấp
1. Phụ cấp thu hút đặc thù: áp dụng
đối với tất cả cán bộ, viên chức làm việc tại các Trung tâm được quy định tại khoản
1 Điều 2 Nghị định này.
2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề: áp
dụng đối với cán bộ, viên chức làm việc theo chức danh, tiêu chuẩn, nội
dung công việc và địa bàn làm việc theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên tắc áp dụng:
a) Mỗi cán bộ, viên chức chỉ được
hưởng một loại phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức phụ cấp ưu đãi cao nhất quy định
tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định này;
b) Các phụ cấp ưu đãi theo nghề
quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định này là những phụ cấp
được tính trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo,
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Điều 4. Nguồn
kinh phí
Nguồn kinh phí chi trả cho các khoản
phụ cấp đối với cán bộ, viên chức theo quy định tại Nghị định này được bảo đảm
bằng nguồn ngân sách địa phương nằm ngoài kinh phí chi thường xuyên của các
Trung tâm; nguồn cung ứng dịch vụ, lao động sản xuất; từ đóng góp của người
nghiện và gia đình người nghiện và các nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với năm 2007, Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp mức chi của ngân sách địa
phương cho các Trung tâm để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này
vào nhu cầu tăng lương của ngân sách địa phương và được xử lý bằng nguồn thực
hiện tiền lương theo quy định. Từ năm 2008, mức chi này của ngân sách địa
phương được bố trí tăng thêm vào kinh phí chi thường xuyên của các Trung tâm.
Chương 2:
CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP
Điều 5. Phụ
cấp thu hút đặc thù
1. Cán bộ, viên chức làm việc tại
các Trung tâm, được hưởng phụ cấp thu hút đặc thù với mức tối thiểu là 500.000
đồng/người/tháng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức cụ thể, phù hợp với khả năng ngân
sách địa phương; đặc điểm, nội dung, điều kiện lao động của cán bộ, viên chức
và địa bàn trú đóng của các Trung tâm (đồng bằng, vùng núi, vùng sâu, vùng xa),
nhưng không thấp hơn 500.000 đồng/người/tháng.
2. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ
điều chỉnh mức phụ cấp thu hút đặc thù cho phù hợp với từng thời kỳ.
Điều 6. Phụ
cấp ưu đãi theo nghề
1. Phụ cấp
ưu đãi y tế:
a) Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, xét nghiệm
cho người nghiện ma tuý, người bán dâm bị bệnh AIDS giai đoạn IV;
b) Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, xét nghiệm
cho người nghiện ma tuý, người bán dâm bị bệnh AIDS giai đoạn III;
Việc phân loại lâm sàng bệnh
AIDS giai đoạn IV, giai đoạn III quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này
thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
c) Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công
việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma tuý, người bán dâm
bị nhiễm HIV/AIDS tại các Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
d) Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công
việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma tuý, người bán dâm
bị nhiễm HIV/AIDS tại các Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã;
đ) Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma
tuý trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma tuý tại các
Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
e) Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma
tuý trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện
ma tuý tại các Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã.
2. Phụ cấp
ưu đãi giáo dục:
a) Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức trực tiếp dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách
và dạy nghề cho người nghiện ma tuý, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS tại
các Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa;
b) Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với
cán bộ, viên chức trực tiếp dạy văn hoá, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách
và dạy nghề cho người nghiện ma tuý, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS tại
các Trung tâm ở đồng bằng, thành phố, thị xã.
3. Mức phụ cấp
25% áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý không trực tiếp làm
chuyên môn y tế, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề
tại các Trung tâm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và mức phụ cấp 15% áp dụng đối
với cán bộ, viên chức làm công tác này tại các Trung tâm ở đồng bằng, thành phố,
thị xã.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bãi bỏ Quyết định số
25/2002/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế
độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại các cơ sở chữa bệnh được thành lập
theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995 (nay là Pháp lệnh
Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002).
3. Đối với cán bộ, viên chức đã
được hưởng chế độ phụ cấp điều trị cắt cơn cho người nghiện ma tuý và phụ cấp
khám, chữa bệnh cho người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định tại khoản
b và khoản c Điều 2 Quyết định số 25/2002/QĐ-TTg ngày 01
tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với
cán bộ làm việc tại các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh Xử lý vi
phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995, được tính hưởng chế độ phụ cấp kể
từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo quy định tại Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối
với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Điều 8. Hướng
dẫn thi hành
Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn
thi hành Nghị định này.
Điều 9.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|