Nghị định 111/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Số hiệu 111/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/12/2009
Ngày có hiệu lực 01/02/2010
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 111/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 06 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hành vi do cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trên lãnh thổ Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhiễm bẩn phóng xạ là sự tồn tại các chất phóng xạ bên trong hoặc trên bề mặt của vật thể hay ở những nơi khác ngoài ý muốn có thể gây hại.

2. Tẩy xạ là quá trình loại bỏ hoặc làm giảm sự nhiễm bẩn phóng xạ ở đối tượng xuống mức cho phép bằng các quy trình vật lý, hóa học hoặc sinh học.

3. Thiết bị đo lường bức xạ là phương tiện, dụng cụ để đo liều bức xạ, hoạt động phóng xạ, xác định đồng vị phóng xạ.

4. Hiệu chuẩn là hiệu chỉnh sai lệch thiết bị bức xạ, thiết bị đo lường bức xạ với thiết bị đo chuẩn hoặc nguồn bức xạ chuẩn để bảo đảm độ chính xác của thiết bị.

5. Vùng kiểm soát là khu vực xác định mà ở đó cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ bức xạ, các quy định về an toàn nhằm kiểm soát mức độ chiếu xạ hoặc ngăn ngừa lan truyền nhiễm bẩn phóng xạ trong điều kiện làm việc bình thường, đồng thời ngăn chặn hoặc giới hạn sự gia tăng nguy cơ chiếu xạ.

6. Vùng giám sát là khu vực xác định, tuy không được coi là vùng kiểm soát, không cần áp dụng các biện pháp bảo vệ bức xạ và các quy định an toàn đặc thù nhưng cần được theo dõi về các điều kiện chiếu xạ nghề nghiệp.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là 100.000.000 đồng.

2. Ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có thời hạn đến 6 tháng;

[...]