Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Số hiệu 106/2015/NĐ-CP
Ngày ban hành 23/10/2015
Ngày có hiệu lực 10/12/2015
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC GIỮ CÁC CHỨC DANH QUẢN LÝ TẠI DOANH NGHIỆP MÀ NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ TRÊN 50% VỐN ĐIỀU LỆ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý; sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định; kiêm nhiệm, số lượng; đánh giá; cử, cử lại, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bổ nhiệm; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đại diện phần vốn nhà nước được bầu, bổ nhiệm giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) làm chủ sở hữu vốn đầu tư vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước sau cổ phần hóa; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi chung là tập đoàn, tổng công ty, công ty), bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị;

b) Chủ tịch Hội đồng thành viên;

c) Thành viên Hội đồng quản trị;

d) Tổng giám đốc;

đ) Phó Tổng giám đốc;

e) Giám đốc;

g) Phó Giám đốc.

Người đại diện phần vốn nhà nước được quy định tại Khoản này gọi chung là người đại diện.

2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Người đại diện phần vốn nhà nước là người được chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty, công ty để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định cử người đại diện là văn bản của chủ sở hữu chỉ định, giao người đại diện thực hiện các quyền của cổ đông hoặc thành viên góp vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty.

3. Tuổi cử làm đại diện là tuổi được tính từ ngày, tháng, năm sinh đến ngày, tháng, năm có văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cử làm đại diện.

[...]