Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/05/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:       /2024/QH15

 

DỰ THẢO

 

 

LUẬT

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cháy là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng môi trường, an ninh, trật tự.

2. Phòng cháy là tổng hợp các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn, điều kiện cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy và giảm thiểu hậu quả khi xảy ra cháy.

3. Chữa cháy là hoạt động triển khai, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy để giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.

4. Sự cố, tai nạn là sự việc do khách quan hoặc chủ quan gây ra thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Cứu nạn là hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, bao gồm cả việc tư vấn y tế, sơ cứu y tế ban đầu, các hoạt động cần thiết để đưa người bị nạn đến cơ sở y tế hoặc vị trí an toàn và hoạt động tìm kiếm nạn nhân.

6. Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản thoát khỏi nguy hiểm do cháy, sự cố, tai nạn.

7. Cơ sở là nơi, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc, công trình theo danh mục do Chính phủ quy định.

8. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là loại hình cơ sở khi hoạt động có nguy cơ cháy, nổ cao so với loại hình cơ sở khác thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo danh mục do Chính phủ quy định.

9. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (Phương tiện giao thông cơ giới) gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt vận chuyển hành khách, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ.

10. Người đứng đầu cơ sở là người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật trong tổ chức thực hiện, duy trì bảo đảm điều kiện an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

11. Lực lượng dân phòng là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, làm nòng cốt trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố).

12. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

13. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ.

14. Khu vực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là khu vực được giới hạn trong một phạm vi nhất định, ở đó diễn ra các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng theo quy định.

15. Thẩm tra thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc kiểm tra, đánh giá về nội dung giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trong dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới theo các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do tổ chức có đủ điều kiện, năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thực hiện, làm cơ sở cho việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

16. Thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan quản lý chuyên ngành căn cứ kết quả thẩm tra thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của dự án đầu tư xây dựng, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật này để kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, chủ phương tiện giao thông cơ giới.

[...]