Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Dự thảo Luật Công đoàn

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 12/10/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:     /2024/QH15

 

DỰ THẢO

 

 

LUẬT

CÔNG ĐOÀN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Công đoàn.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; giám sát và tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), đoàn viên công đoàn và người lao động.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công đoàn cấp trên công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

4. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

5. Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

a. Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.

b. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm công việc của tổ chức công đoàn, được công đoàn các cấp bầu cử hoặc cấp có thẩm quyền của công đoàn chỉ định vào chức danh từ tổ phó tổ công đoàn trở lên.

6. Đơn vị sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương theo quy định của pháp luật.

7. Tranh chấp về quyền công đoàn là tranh chấp phát sinh giữa người lao động, đoàn viên công đoàn, tổ chức công đoàn với đơn vị sử dụng lao động hoặc giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp về việc thực hiện quyền công đoàn.

8. Điều lệ Công đoàn Việt Nam là văn bản do Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua, quy định về tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Công đoàn; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập, giải thể công đoàn; quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn.

Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

Phương án 1:

1. Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

2. Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

[...]