BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/KL-TTrB
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2016
|
KẾT LUẬN THANH TRA
CÔNG TÁC ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NƯỚC ĂN UỐNG, NƯỚC SINH HOẠT TẠI TỈNH BẮC
NINH
Thực hiện Quyết
định số 266/QĐ-TTrB ngày 15/12/2015 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về thanh tra
công tác đảm bảo chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt tại
tỉnh Bắc Ninh, ngày 17/12/2015, Đoàn thanh tra đã tiến
hành thanh tra tại Sở Y tế Bắc Ninh, địa chỉ số 3 đường Lý Thái Tổ, phường Suối
Hoa, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên
quan.
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày
07/01/2016 của Trưởng đoàn thanh tra, ý kiến giải trình của cơ quan, tổ chức,
cá nhân là đối tượng thanh tra,
Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận như
sau:
I. THÔNG TIN CHUNG
Bắc Ninh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng
sông Hồng và nằm trên vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tiếp giáp với vùng trung
du Bắc bộ tại tỉnh Bắc Giang. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Ninh nằm cách trung tâm
Hà Nội 30 km về phía đông bắc, phía tây và tây nam giáp thủ đô Hà Nội, phía bắc
giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh
Hưng Yên.
Bắc Ninh có các tuyến trục giao
thông lớn, quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh Bắc Ninh với các
trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của phía Bắc. Tỉnh Bắc Ninh có nhiều
sông lớn nối với các tỉnh lân cận.
Sở Y tế là cơ quan chuyên môn, giúp Ủy
ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế;
chỉ đạo, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh
phí trong ngân sách hàng năm cho việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; hướng dẫn, kiểm tra,
thanh tra và xử lý vi phạm trong thực hiện các quy định về chuyên môn, quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về môi trường y tế, trong đó có việc triển
khai thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước
ăn uống, nước sinh hoạt.
Sở Y tế hiện có cơ quan Văn phòng
Sở và 34 đơn vị trực thuộc; 08 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình cấp huyện; 126 Trạm Y tế cấp xã và mạng lưới y
tế thôn bản.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Bắc Ninh, có chức
năng giúp Giám đốc Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên
môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hiện có
08 khoa, phòng, bao gồm: Phòng Kế hoạch-Tài chính, Tổ chức-Hành chính, Khoa Kiểm
soát bệnh truyền nhiễm, Khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học, Khoa sốt
rét, Ký sinh trùng và Côn trùng, Khoa Kiểm soát bệnh không
lây nhiễm và Dinh dưỡng, Khoa xét nghiệm và Phòng khám đa khoa. Với tổng số 83 người.
Trung tâm Y tế dự phòng Bắc Ninh được
giao các nhiệm vụ có liên quan đến công tác giám sát chất lượng nước, bao gồm:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực
hiện các hoạt động về sức khỏe cộng đồng;
- Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình
trạng vệ sinh chung, lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm và đánh giá kết quả đối
với các cơ sở cung cấp nước, các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư từ 500
người trở lên trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Phối hợp với các Trung tâm y tế dự
phòng huyện kiểm tra đột xuất về vệ sinh, lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm và
đánh giá kết quả đối với trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người,
các hình thức cấp nước và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí
hằng năm cho việc thực hiện các hoạt động kiểm tra vệ sinh
nước ăn uống, nước sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định hiện hành về y tế đối với môi
trường, chất thải, nước ăn uống, sinh hoạt; đánh giá tác động môi trường đến sức
khỏe trên địa bàn;
Năm 2013, phòng Xét nghiệm của Trung
tâm Y tế dự phòng Bắc Ninh được công nhận đạt ISO/IEC 17025:2005, đến nay đã có
38 chỉ tiêu được công nhận, trong đó có 20 chỉ tiêu xét
nghiệm nước và 18 chỉ tiêu xét nghiệm về thực phẩm.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
A. Về công tác quản lý nhà nước của
Sở Y tế Bắc Ninh đối với việc đảm bảo chất lượng nước
ăn uống, nước sinh hoạt
Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, để
làm tốt công tác quản lý nhà nước về đảm bảo chất lượng nước
ăn uống, nước sinh hoạt, trong năm 2015 Sở Y tế Bắc Ninh đã
triển khai nhiều hoạt động, cụ thể:
1. Ban hành các văn bản quản lý nhà
nước về đảm bảo chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt:
- Công văn số 144/SYT-NVY ngày
10/2/2015 của Sở Y tế Bắc Ninh về việc tăng cường kiểm soát chất lượng nước ăn
uống, nước sinh hoạt.
- Công văn số 184/SYT-NVY ngày
03/3/2015 của Sở Y tế Bắc Ninh về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng nước.
- Công văn số 356/SYT-NVY
ngày 10/4/2015 của Sở Y tế Bắc Ninh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần
lễ quốc gia về nước sạch - vệ sinh môi trường.
2. Về công tác truyền thông:
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Truyền
thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các đơn vị liên quan
tổ chức các đợt cao điểm về truyền thông, tuyên truyền phổ
biến rộng rãi các thông điệp nước sạch - vệ sinh môi trường
trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống
đài truyền thanh xã; chỉ đạo các Trung tâm Y
tế tuyến huyện, các trạm Y tế xã phối hợp với các ngành, đoàn thể phát động
nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ hiệu quả các công trình
cấp nước công cộng; Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.
Trung tâm Y tế dự phòng hướng dẫn các
đơn vị trong ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.
3. Về công tác phối hợp liên ngành:
Sở Y tế đã phối hợp với Sở Xây dựng,
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành liên quan tăng cường các biện
pháp quản lý và kiểm soát chất lượng nước đối với các nhà máy, trạm cấp nước tập trung đô thị và nông thôn; Chỉ đạo
các đơn vị cung cấp nước ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn thực hiện các biện
pháp bảo đảm cấp nước đạt quy chuẩn kỹ thuật.
4. Công tác kiểm tra, giám sát:
- Tổng số cơ sở
cấp nước trên địa bàn: 42 cơ sở;
- Số cơ sở được kiểm tra theo Thông
tư số 15/2006/TT-BYT: 35 cơ sở.
Qua kiểm tra phát hiện các nội dung
vi phạm chủ yếu như điều kiện vệ sinh môi trường kém, chất lượng nước có một số chỉ tiêu không đạt. Các đoàn kiểm
tra đã đôn đốc, nhắc nhở cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục, chưa có trường
hợp nào vi phạm bị xử lý hành chính.
B. Kết quả kiểm tra tại Trung tâm
Y tế dự phòng Bắc Ninh liên quan nhiệm vụ bảo đảm chất lượng nước ăn uống, nước
sinh hoạt
1. Công tác giám
sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn:
1.1. Giám sát chất
lượng nước từ 01/01/2015 đến 12/2015:
- Tổng số trạm cấp nước/nhà máy trên
địa bàn: 42. Trong đó, số cơ sở cung cấp nước do Sở Xây dựng hoặc công ty TNHH
đầu tư là 16 trạm, còn lại là 26 trạm cấp nước nông thôn do ngành Nông nghiệp quản lý.
- Tổng số cơ sở cung cấp nước được kiểm tra: 42, trong đó:
+ Giám sát chủ động (kinh phí lấy từ
địa phương) được 26 trạm cấp nước với 100 mẫu nước xét nghiệm.
+ Giám sát theo hợp đồng với các cơ sở
được 16 trạm cấp nước: các trạm cấp nước này định kỳ được giám sát chất lượng
nước từ 01 đến 02 lần trên tháng với tổng số mẫu xét nghiệm
là 1.029 mẫu.
1.2. Kết quả xét nghiệm chất lượng
nước ăn uống, sinh hoạt:
(mẫu nước làm xét nghiệm bao gồm các
chỉ tiêu về lý, hóa học và vi sinh vật, mẫu nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh phải đạt cả về lý, hóa học và vi sinh)
- Tổng số mẫu nước làm xét nghiệm: 1.129 mẫu.
Trong đó:
- Tổng số mẫu nước thô: 101 mẫu.
- Tổng số mẫu nước
ăn uống, sinh hoạt: 1.028 mẫu.
- Tổng số mẫu nước ăn uống đạt TCVS
là: 602/1028 (58,6%)
- Tổng số mẫu nước ăn uống không đạt
TCVS 426/1028 (41,4%)
- Tổng số mẫu nước sinh hoạt đạt TCVS
là: 726/1028 (70,6%)
- Tổng số mẫu nước
sinh hoạt không đạt TCVS 312/1028 (39,4%)
Theo báo cáo, các chỉ tiêu lý, hóa học
không đạt chủ yếu là chỉ tiêu mangan tổng số, sắt tổng số,
clo dư và chỉ tiêu Pecmanganat cao. Ngoài ra tại một số trạm cấp nước thuộc ngành
Nông nghiệp quản lý thường xuyên có chỉ tiêu vi sinh vật cao.
2. Công tác đào tạo, tập huấn:
Trong tháng
2/2015 Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức 01 lớp tập huấn
"Nâng cao kỹ năng quản lý, giám sát chất lượng nước
ăn uống, sinh hoạt”.
Nội dung: Tổng quan về công tác quản lý nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Nước,
các nguồn nước trong tự nhiên; Các bệnh liên quan đến nước;
Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý nguồn nước, nước ăn uống,
sinh hoạt; Năng lực xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Bắc Ninh.
Đối tượng: Cán bộ quản lý tại các trạm
cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, các cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường
của TTYT tuyến huyện.
3. Công tác thông tin - truyền thông:
Trung tâm Y tế dự phòng đã tổ chức
tuyên truyền dưới hình thức treo băng rôn, phát tờ rơi trong tuần lễ Quốc gia
nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày vệ sinh yêu nước, chiến dịch làm cho Thế
giới sạch hơn...
4. Kinh phí địa phương dành cho hoạt
động giám sát chất lượng nước:
- Kinh phí từ chương trình Sức khỏe
môi trường: 83.000.000 đồng.
- Kinh phí từ chương trình Vệ sinh
yêu nước: 70.000.000 đồng.
Tổng kinh phí: 153.000.000 đồng.
C. Kết quả kiểm tra tại Công ty
TNHH một thành viên cấp thoát nước Bắc Ninh
1. Khái quát chung về Công ty TNHH
một thành viên cấp thoát nước Bắc Ninh:
Công ty TNHH một thành viên cấp thoát
nước Bắc Ninh là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh. Công ty có trụ sở chính
tại số 57 đường Ngô Gia Tự, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh.
ĐT: 0241.3824 369; Fax: 0241.
3822708.
Giấy đăng ký kinh doanh và đăng ký
thuế số 2300108311 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh
cấp ngày 29/12/1996; thay đổi lần 2 ngày 20/4/2009.
Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên
cấp thoát nước Bắc Ninh đang quản lý vận hành 06 nhà máy, bao gồm: Bắc Ninh, Phố
Mới, Thị Chấn Chờ, Thị trấn Lim, Gia
Bình, Thị trấn Thứa - Lương Tài.
Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra trực
tiếp tại nhà máy cấp nước thành phố Bắc Ninh với công suất thiết kế 20.000m3/ngày
đêm; công suất thực tế cấp nước ổn định 18.000 m3/ngày
đêm. Hệ thống cấp nước thành phố Bắc Ninh hiện đang phục vụ cho 34.572 khách
hàng, trong đó gồm 33.973 khách hàng hộ dân và 599 khách hàng cơ quan.
Công ty TNHH một
thành viên cấp thoát nước Bắc Ninh có phòng kiểm soát chất
lượng nước tại nhà máy nước Bắc Ninh, hiện tại đã tự xét nghiệm được 15 chỉ
tiêu nhóm A. Các nhà máy còn lại tự kiểm tra được 03 chỉ tiêu pH, độ đục,
clorua dư. Công ty kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kiểm soát định kỳ
chất lượng nước tại nhà máy và mạng phân phối.
2. Kết quả kiểm tra của Đoàn tại nhà
máy nước Bắc Ninh:
- Năm khánh thành 1998.
- Nguồn nguyên liệu từ nước ngầm gồm
22 giếng, cách nhà máy 3 km.
- Công suất của nhà máy 20.000 m3/ngày
đêm.
- Số hộ sử dụng 34.572 thuộc thành phố
Bắc Ninh và xã Vạn An, huyện Yên Phong (tính đến tháng 6/2015).
- Nhà máy có hệ thống xử lý: tháp làm
thoáng (giàn cao tải), bể phản ứng, bể lắng, bể lọc, hầm thu, khử trùng, bể chứa,
đài nước 1500 m3 rồi tự ra mạng lưới.
- Nhà máy đã xây dựng kế hoạch cấp nước
an toàn năm 2015, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chế độ tự kiểm tra, giám sát chất
lượng nước:
+ Các chỉ tiêu làm hằng ngày: Độ đục,
pH, Clo dư.
+ Các chỉ tiêu giám sát hằng tuần là
15 chỉ tiêu nhóm A. Đối với các chỉ tiêu nhóm B làm 6 tháng/lần tại Trung tâm
YTDP tỉnh và Viện Hóa.
Kết quả kiểm tra chi tiết của Đoàn
tại nhà máy nước Bắc Ninh:
2.1. Về vệ sinh
nơi khai thác nước nguyên liệu: Công ty có 22 giếng khoan
tại Tp. Bắc Ninh để cung cấp nước nguyên
liệu cho nhà máy. Trong đó có 10 giếng ngoài trời, 12 giếng trong nhà. Đoàn kiểm
tra tại 03 giếng, bao gồm: Giếng 14; 16 (ngoài trời) và giếng 15 (trong nhà), kết
quả:
- Các giếng ngoài trời (giếng 14; 16)
ở bên cạnh khu vực đồng ruộng canh tác, có nền bê tông chắc
chắn, tuy nhiên xung quanh không có tường rào bảo vệ.
- Đối với giếng trong nhà (giếng 15), điều kiện vệ sinh sạch sẽ, có khóa đảm bảo chắc chắn.
Công ty có phân công cán bộ kiểm tra,
tuần tra tại mỗi giếng ít nhất 03 lần/ngày.
2.2. Kiểm tra khu vực xử lý nước tại địa chỉ Khu 6, phường Đáp Cầu, Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh:
- Nhà máy có khu vực xử lý nước được thiết kế tại khu vực riêng, có hàng rào bảo vệ chắc chắn.
- Quy trình vận hành, vệ sinh hệ thống
xử lý thực hiện theo quy trình do nhà máy xây dựng.
- Có 02 bể chứa nước đã xử lý, trong
đó 01 bể 4.000 m3 và 01 bể 1.500m3.
- Hóa chất được sử dụng để xử lý bao
gồm: Clo, phèn, vôi được mua có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,
có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
- Việc vệ sinh các bể thuộc các công
đoạn xử lý nước được thực hiện định kỳ, đầy đủ, theo quy
trình.
2.3. Về việc kiểm
nghiệm chất lượng nước định kỳ
Nhà máy có labo để tự xét nghiệm một
số chỉ tiêu (Labo chưa đạt chuẩn ISO/IEC 17025 về các chỉ tiêu chất lượng nước
được xét nghiệm), các mẫu nước xét nghiệm được thực hiện hằng ngày để giám sát
chất lượng nước tại nhà máy. Đồng thời Công ty có hợp đồng với Trung tâm
YTDP tỉnh Bắc Ninh và Viện Hóa để lấy mẫu kiểm
nghiệm định kỳ hằng tháng, năm. Trong đó:
* Năm 2014 (từ tháng 1 - 12):
- Các chỉ tiêu nhóm A: 13/15 chỉ tiêu
do Trung tâm YTDP tỉnh làm 02 lần/tháng. Riêng đối với 02
chỉ tiêu màu sắc, mùi vị do nhà máy tự làm.
- Các chỉ tiêu nhóm B: 16/16 chỉ tiêu
do Viện Hóa làm 6 tháng/lần.
* Năm 2015 (từ tháng 1 - 11/2015):
- Các chỉ tiêu nhóm A: Các mẫu được
xét nghiệm từ 9 - 13/15 chỉ tiêu do Trung tâm YTDP tỉnh làm 02 lần/tháng. Riêng
đối với 02 chỉ tiêu màu sắc, mùi vị do nhà máy tự làm.
- Các chỉ tiêu nhóm B: 16/16 chỉ tiêu
do Viện Hóa làm 6 tháng/lần.
- Các chỉ tiêu nhóm C: do Viện Hóa
làm 01 lần.
(Các phiếu xét nghiệm chất lượng, nước
tháng 10/2015 thiếu chữ ký của Trưởng Phòng Kiểm soát chất lượng; Chỉ tiêu Pecmanganat của năm 2014 và 2015 đều vượt
giới hạn).
2.4. Lấy mẫu, kiểm
nghiệm mẫu nước do Đoàn thanh tra thực hiện:
Đoàn thanh tra tiến hành 01 mẫu nước
vòi từ bể chứa nước sạch thành phẩm gửi về Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
- Bộ Y tế để kiểm nghiệm, đánh giá một số chỉ tiêu lý,
hóa, vi sinh. Kết quả kiểm nghiệm do
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện ghi nhận tại các Phiếu kết quả
thử nghiệm ký ngày 30/12/2015 như sau:
* Về chỉ tiêu vi sinh:
- Tổng số chỉ tiêu: 02 (Coliforms; E.coli);
- Số chỉ tiêu đạt: 2/2 chỉ tiêu.
* Về chỉ tiêu hóa, lý:
- Tổng số chỉ tiêu đã thử nghiệm: 27
chỉ tiêu.
- Số chỉ tiêu đạt: 25/27 chỉ tiêu.
- Số chỉ tiêu không đạt: 2 chỉ tiêu
(Chỉ số Pecmanganat và Clo dư).
III. KẾT LUẬN
1. Ưu điểm:
- Sở Y tế đã chủ động ban hành các
văn bản quản lý nhà nước về bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh
hoạt và bố trí kinh phí nhằm triển khai cụ thể các quy định
của pháp luật về bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước ăn uống,
nước sinh hoạt trên địa bàn.
- Công tác giáo dục truyền thông về vệ
sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt được tăng cường nhằm từng bước
nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo đảm
vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt, đồng thời phản ánh kịp thời về
thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh, chất
lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt tại địa phương.
- Công tác phối hợp liên ngành trong bảo đảm vệ sinh, chất lượng
nước ăn uống, nước sinh hoạt được phát huy có sự vào cuộc
của các ngành liên quan như y tế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông
thôn.
- Công tác kiểm tra, giám sát về vệ
sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt được duy trì thực hiện thường
xuyên tại hầu hết các trạm cấp nước trên địa bàn.
2. Một số tồn tại:
- Theo báo cáo của Sở Y tế, việc bảo
đảm vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt tại các trạm cấp nước nông
thôn được xây dựng từ các Chương trình, nay bàn giao cho cộng
đồng tự quản lý còn chưa tốt; kết quả kiểm tra, giám sát định
kỳ cho thấy số mẫu không đạt chiếm tỷ lệ cao (41,4% tổng số mẫu nước ăn uống
không đạt TCVS; 39,4% tổng số mẫu nước
sinh hoạt không đạt TCVS).
- Việc thanh tra chuyên đề về bảo đảm
vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt chưa được triển khai. Đối với
các cuộc kiểm tra, giám sát khi phát hiện các vi phạm chưa có biện pháp xử lý.
- Kinh phí cho việc giám sát chủ động
của ngành y tế còn quá ít, hiện tại việc giám sát thường xuyên tại các trạm cấp
nước chủ yếu thực hiện từ nguồn kinh phí nội kiểm của cơ sở.
- Tại nhà máy nước Bắc Ninh, tình trạng
chỉ số Pecmanganat thường xuyên cao song hiện chưa có giải
pháp khắc phục và hiện còn một số giếng ngoài trời chưa có hàng rào bảo vệ; kết
quả xét nghiệm mẫu nước do Đoàn thanh tra lấy, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xét nghiệm có 02 chỉ tiêu
không đạt, bao gồm Chỉ số Pecmanganat và Clorua.
IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM
QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG
Đoàn thanh tra đã hướng dẫn địa phương một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm chất
lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; nhắc nhở, hướng dẫn cơ
sở được kiểm tra có biện pháp khắc phục, tháo gỡ những tồn tại trong việc thực
hiện quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng nước ăn
uống, nước sinh hoạt.
V. KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh tăng cường
hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các cấp chính quyền, các ban
ngành đoàn thể và cộng đồng tham gia và phối hợp thực hiện
các biện pháp đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt.
2. Tăng cường công tác thanh, kiểm
tra, giám sát về vệ sinh, chất lượng nước nhằm phát hiện những yếu tố nguy cơ ảnh
hưởng đến sức khỏe con người để có giải pháp can thiệp kịp thời.
3. Tăng cường kinh phí cho công tác
giám sát vệ sinh, chất lượng nước của toàn bộ các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh;
thực hiện đầy đủ việc giám sát vệ sinh, chất lượng nước ăn
uống, nước sinh hoạt theo quy định.
4. Chỉ đạo các đơn vị được kiểm tra
tiến hành khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; Sở Y tế báo cáo kết
quả khắc phục những tồn tại chung về bảo đảm vệ sinh, chất
lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt (bao gồm cả công tác quản lý của Sở Y tế, những
tồn tại của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và của cơ sở cung
cấp nước Bắc Ninh) như đã nêu trong bản kết luận thanh tra
về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 30/02/2016.
Trên đây là Kết luận thanh tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước ăn uống,
nước sinh hoạt tại tỉnh Bắc Ninh. Chánh Thanh tra Bộ giao Trưởng Đoàn thanh tra
công khai Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để
báo cáo);
- TT. Nguyễn Thanh Long (để báo
cáo);
- Cục Quản lý MTYT (để
phối hợp);
- Viện SKNN và Môi trường - Bộ Y
tế;
- Sở Y tế Bắc
Ninh (để thực hiện và chỉ đạo các đơn vị
cơ sở trên địa bàn đã được thanh tra thực hiện);
- Cổng Thông tin điện tử
BYT (để đăng tin);
- Lưu: TTrB; P8; Đoàn thanh tra.
|
CHÁNH THANH TRA
BỘ
Đặng Văn Chính
|