Kết luận 56-KL/TW năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Số hiệu | 56-KL/TW |
Ngày ban hành | 21/02/2013 |
Ngày có hiệu lực | 21/02/2013 |
Loại văn bản | Văn bản khác |
Cơ quan ban hành | Bộ Chính trị |
Người ký | Lê Hồng Anh |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thương mại |
BỘ CHÍNH TRỊ |
ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM |
Số: 56-KL/TW |
Ngày 21 tháng 02 năm 2013 |
KẾT LUẬN
VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA IX VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ
Tại phiên họp ngày 20-12-2012, sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị kết luận:
1- Đánh giá tình hình
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới được thành lập, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; số tổ hợp tác tiếp tục tăng; phần lớn các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Nhiều hợp tác xã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, trong đó xuất hiện một số điển hình tiên tiến, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ xã viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển. Các tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Nhiều hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế tập thể mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 02-01-2008 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã chỉ ra, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỉ lệ đóng góp vào GDP của cả nước giảm dần, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Nhiều hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; còn có những biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã; sự liên kết, hợp tác của các hợp tác xã chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất; ý thức trách nhiệm còn thấp; đánh giá về kinh tế tập thể chưa toàn diện, chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng. Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả; khung pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa được phát huy.
2- Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển kinh tế tập thể phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp lớn sau đây:
2.1- Thống nhất và nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn đòi hỏi phải kiên trì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương, tránh hình thức, gò ép hoặc buông lỏng. Phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các luật khác có liên quan, bảo đảm hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên tự nguyện thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước, cả về hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể và lợi ích của các thành viên.
- Tiếp tục đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường công tác nghiên cứu, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể, hợp tác xã, vận dụng sáng tạo trong thực tế và có biện pháp nhân rộng các mô hình tổ chức kinh tế tập thể điển hình tiên tiến.
2.2- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế tập thể
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và các quy định của pháp luật, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước và của mỗi bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
- Có biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các tổ chức kinh tế tập thể chủ động vươn lên, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, phát huy lợi thế vốn có của tổ chức kinh tế tập thể để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
- Chăm lo củng cố và phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể theo quy định, trên cơ sở tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức kinh tế tập thể.
2.3- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể như tinh thần Nghị quyết và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế tập thể.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách cán bộ phù hợp, bảo đảm nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế tập thể.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về kinh tế tập thể.
2.4- Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể
- Ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về tổ hợp tác.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là chính sách về cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính – tín dụng, khoa học – công nghệ và thị trường.
- Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đối tượng thành viên là nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo.
2.5- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên cơ sở củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện của hợp tác xã và các nhiệm vụ được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012.