Dự thảo Kế hoạch về phục hồi kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 04/09/2021
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký ***
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:             /KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày     tháng     năm 2021

DỰ THẢO

 

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI KINH TẾ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch,  đạt được một số kết quả ban đầu; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, tiến tới cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người dân đủ điều kiện tiêm trên địa bàn thành phố, qua đó kiểm soát được tiến độ lây lan, hỗ trợ tốt cho các ca F0 tự chăm sóc, chữa bệnh tại nhà, giảm sự quá tải của các tầng trên, tiến tới giảm dần số ca tử vong do COVID-19. Hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh và tiến tới sống chung với COVID-19.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo tiêu chí của Ủy ban nhân dân Thành phố; qua đó góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.

c) Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động.

2. Yêu cầu, nguyên tắc :

a) Bảo đảm an toàn phòng chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng con người, đi đôi với việc khôi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội. Chuyển từ định hướng “không COVID-19” sang từng bước sống chung với dịch bệnh trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các phương án sống chung với COVID-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn dân để sớm đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều, kiểm soát tử vong, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để kinh tế phục hồi theo hướng bền vững, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.

b) Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh COVID-19 còn tiếp diễn.

c) Tiến độ triển khai thực hiện:

- Giai đoạn 1 (Từ khi kế hoạch được ban hành đến 31/12/2021): Triển khai các giải pháp tập trung cần làm ngay, không nóng vội nhưng không quá thận trọng, cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

- Giai đoạn 2 (Từ 1/1/2022 trở đi): Đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế (tiêm vắc-xin 2 mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, giải quyết tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19, giảm thiểu số ca chuyển nặng), tiến đến khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế (vẫn tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của ngành y tế về bảo đảm an toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh)

II. ĐỊNH HƯỚNG MỞ CỬA CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

1. Cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ. Thực hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại các giấy phép con.

2. Sở Công thương là đầu mối phối hợp các ngành liên quan và địa phương triển khai hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chi tiết phù hợp từng giai đoạn trên kết quả kiểm soát dịch bệnh theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh linh hoạt, tự chủ mà vẫn bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề quan trọng của chuỗi sản xuất kinh doanh, báo cáo lãnh đạo Thành phố để tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

3. Sở Y tế và các ngành liên quan đề xuất cụ thể các lĩnh vực phải hạn chế quy mô hoặc tạm ngưng hoạt động để bảo đảm an toàn phòng chống dịch (như phục vụ ăn uống tại chỗ, karaoke, vũ trường, bar, …)

III. CÁC GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN NGAY TRONG NĂM 2021

1. Giao Sở Thông tin Truyền thông:

a) Phối hợp Sở Y tế cập nhật ngay thông tin vào Hệ thống thông tin tiêm chủng của Quốc gia, phục vụ cho việc theo dõi Chứng nhận ngừa COVID-19 của Sổ Sức khỏe điện tử thống nhất trên cả nước, thuận tiện cho việc kiểm soát lao động trong Thành phố và cả ở các tỉnh.

b) Phối hợp Sở Y tế chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ban hành “giấy thông hành vắc-xin” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn. Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có Giấy thông hành vắc-xin[1] thay cho các hình thức quản lý khác như Giấy đi đường, Khai báo di biến động dân cư, Kết quả xét nghiệm âm tính...

c) Tham mưu triển khai áp dụng ngay hệ thống chữ ký số cá nhân, được phép sử dụng trong mọi công việc, thủ tục hành chính và nội bộ cơ quan hành chính các cấp nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, sử dụng hồ sơ giấy.

d) Theo dõi, đánh giá hiệu quả thực chất của công tác truyền thông trong phòng chống dịch COVID-19, kịp thời đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung để thông tin đến được với mọi người dân, doanh nghiệp theo cách dễ tiếp cận, dễ hiểu nhất; qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với các biện pháp Thành phố đang triển khai, quyết định sự thành công của mọi giải pháp.

đ) Phối hợp Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử.

2. Giao Sở Y tế:

a) Ban hành Quy trình/Biện pháp xử lý đối với các F0/F1 đã tiêm vắc-xin theo hướng hài hòa giữa công tác phòng chống dịch và giảm bớt gánh nặng cho công tác rà soát, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, người lao động và doanh nghiệp hoạt động.

b) Xây dựng biểu phí và quy trình cho phép bệnh viện tư nhân được phép tiếp nhận và điều trị có thu phí bệnh COVID-19 như đối với các căn bệnh khác, để doanh nghiệp có nguồn lực và cơ sở pháp lý thực hiện hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời chia sẻ gánh nặng với khu vực y tế công.

[...]