Kế hoạch hành động 122/KH-UBND thực hiện Quyết định 1968/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2022
Ngày có hiệu lực 21/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Hồ Thị Nguyên Thảo
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Phú Yên, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1968/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH KHUNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” (sau đây gọi tắt là Quyết định 1968/QĐ-TTg) và Công văn số 8425/BCT-XTTM ngày 28/12/2021 của Bộ Công Thương về việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 1968/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

- Hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh kinh tế thương mại của tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… của tỉnh trên cơ sở kết nối, đồng bộ với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- Nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển, tìm kiếm các cơ hội thương mại trong và ngoài nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tổ chức triển khai Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, kết nối các nền tảng số phục vụ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp của tỉnh.

- 100 % tổ chức xúc tiến thương mại và trên 600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, trong đó 50% tổng số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

- Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

- Triển khai thực hiện hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

- 100 % tổ chức xúc tiến thương mại và trên 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và đảm bảo an toàn thông tin.

- 100 % tổ chức xúc tiến thương mại và trên 300 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ, giải pháp năm 2022

1.1. Tổ chức đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh

Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch thuê chuyên gia đánh giá hiện trạng và năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn để làm căn cứ đưa ra các giải pháp quản lý, các hoạt động hỗ trợ tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương.

1.2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại nhằm kết nối hiệu quả với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Lập danh sách tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp của tỉnh có nhu cầu tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; phối hợp Bộ Công Thương: hướng dẫn tổ chức xúc tiến, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tài khoản sau khi Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số được xây dựng xong; tích hợp các cơ sở dữ liệu, thông tin về xúc tiến thương mại của tỉnh lên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hướng dẫn doanh nghiệp mở tài khoản, khai thác thông tin và chia sẻ dữ liệu.

[...]