Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2021 về công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 99/KH-UBND
Ngày ban hành 02/07/2021
Ngày có hiệu lực 02/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 02 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG GIAI ĐOẠN 2020-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhiệm kỳ 2020-2025; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch công tác PCTN giai đoạn 2020-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN đã đề ra trong các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai, thi hành Luật PCTN năm 2018; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020 - 2025.

b) Làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh quản lý, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác PCTN giai đoạn 2020- 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác PCTN.

2. Yêu cầu

a) Xác định công tác PCTN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là giải pháp quan trọng để chỉ đạo, điều hành. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, liêm chính, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCTN phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó xác định phòng ngừa là chính; tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, công khai kết quả xử lý đối với những vụ việc, người có hành vi tham nhũng.

c) Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác PCTN.

d) Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; xử lý nghiêm các trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

II. CHỈ TIÊU

1. Chỉ tiêu về phòng ngừa tham nhũng

- 100% các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận, thông báo của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN (trừ văn bản) được quán triệt, triển khai, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

- 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Phấn đấu 100% dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4; có 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- Phấn đấu 100% thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các quy định về nêu gương.

2. Chỉ tiêu về phát hiện, xử lý tham nhũng

- 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phải được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

- 100% tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng được giải quyết đúng quy định; 100% các vụ án về tham nhũng, kinh tế phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

- Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, đạt trên 60%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, nhất là các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 05/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chương trình hành động số 70/CTr-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 89/KH- UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai quán triệt thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Đề án “tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 trên địa bàn tỉnh; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...; gắn công tác PCTN với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

- Nội dung, hình thức tuyên truyền: Các cơ quan, đơn vị căn cứ đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của mình lựa chọn hình thức tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả tránh hình thức, lãng phí.

2. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

a) Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

[...]