Kế hoạch 9836/KH-UBND năm 2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 9836/KH-UBND
Ngày ban hành 17/08/2020
Ngày có hiệu lực 17/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Quốc Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 9836/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Tình hình chung

Trong giai đoạn 2016-2020, bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức cho phát triển KTTT:

- Nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển với nhiều cơ hội mới. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và điều chỉnh các thể chế điều tiết kinh tế - tài chính toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid đã xuất hiện vào đầu năm 2020, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ giảm đáng kể so với giai đoạn 2011- 2015.

- Trong nước, sự hồi phục của nền kinh tế sẽ rõ rệt hơn trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện; thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc; thị trường hàng hóa đã bước đầu khôi phục lại được đà tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều cơ hội để phát triển thị trường mới, kể cả thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó nền kinh tế nước ta cũng gặp phải một số khó khăn, như sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ thiếu bền vững; tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao do tác động độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thiên tai, bão lụt và đặc biệt là đại dịch Covid đã xảy ra là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và KTTT nói riêng. Sau 8 năm triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, khu vực KTTT với nòng cốt là HTX đã có sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nông thôn nói riêng. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã và đang tiếp tục triển khai sâu rộng tại các địa phương, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người dân để thúc đẩy phong trào HTX phát triển.

1.1. Về tổ hợp tác (THT)

- Số lượng THT tại thời điểm 31/12/2019 là 1.157 CLB-THT, ước tại thời điểm 31/12/2020 là 1.197 CLB-THT, so với thời điểm 31/12/2016 tăng thêm 150 THT. Trong đó có 760 CLB-THT thuộc lĩnh vực trồng trọt, 288 CLB-THT chăn nuôi, 17 CLB-THT thủy sản và 132 CLB-THT thuộc lĩnh vực khác. Tổng diện tích đất sản xuất 23.173 ha; tổng đàn là 371.532 con (heo, gà, trâu bò, dê), tổng số vốn góp trên 4.658 triệu đồng; số CLB-THT đăng ký hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và Nghị định số 77/2019/NĐ-CP là 723 chiếm 62,43%.

- Số thành viên THT tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt là 34.713 thành viên (tăng 10.669 thành viên, tỷ lệ tăng 44,5% so với thời điểm 31/12/2016); số lao động làm việc trong khu vực THT tại thời điểm 31/12/2020 ước khoảng 40.267 (tăng 11.450 lao động, tỷ lệ tăng 39,7% so với thời điểm 31/12/2016).

Nhìn chung, xuất phát từ nhu cầu phát triển của kinh tế hộ và điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, THT được thành lập với hình thức tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động khá đa dạng. Hoạt động của THT chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống thành viên; THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; giúp kinh tế tổ viên tăng sức cạnh tranh thị trường và nâng cao năng lực hoạt động kinh tế; giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; tiếp nhận những thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ; số THT được thành lập mới theo hướng dựa trên nhu cầu thực tế của thành viên, phát huy tinh thần giúp đỡ nhau trong sản xuất; các THT hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như nông nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đúc gang, hàng mộc xuất khẩu...

Tuy nhiên, số lượng các THT hoạt động hiệu quả chưa cao (chiếm khoảng 50%); số THT phát triển thành hợp tác xã chưa nhiều; mặc dù việc tuyên truyền Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động THT được thực hiện đến tận xã, phường, khu phố, ấp nhưng đến nay một số THT vẫn chưa thực hiện theo quy định vì hoạt động thiếu ổn định, theo mùa vụ, các THT hoạt động còn hình thức; chưa cung cấp các dịch vụ thiết thực cho tổ viên; một số THT chưa thực hiện việc đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trong nội bộ THT; giữa THT với các thành phần kinh tế khác... Khó khăn nhất vẫn là trình độ và kinh nghiệm quản lý, điều hành của ban điều hành THT còn yếu, do đó hoạt động của THT chưa thực sự là nền tảng để phát triển thành hợp tác xã thể hiện qua số lượng hợp tác xã được thành lập mới từ các THT có hoạt động hiệu quả còn ít và khiêm tốn. Việc theo dõi tình hình và hỗ trợ THT gặp nhiều khó khăn do cán bộ KTTT ở các xã, phường, thị trấn thường là bán chuyên trách, hoặc luân chuyển, thay đổi và kiêm nhiệm nhiều việc, vì vậy việc vận dụng và hỗ trợ các THT tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

1.2. Về hợp tác xã (HTX)

- Kết quả hoạt động xây dựng và củng cố các hợp tác xã: Trong 5 năm qua đã thành lập mới 182 HTX (riêng trong năm 2020, ước thành lập mới 40 HTX). Ước đến 31/12/2020 toàn tỉnh có 448 HTX; Quỹ TDND và 01 Liên hiệp HTX.

- Tình hình chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012: Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ HTX hoàn thành đăng ký lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tính đến ngày 30/6/2016 hoàn thành công tác chuyển đổi với 154 HTX đã chuyển tiếp, đăng ký lại, 22 HTX giải thể, là địa phương đi đầu cả nước trong việc chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Số thành viên HTX dự kiến đến thời điểm 31/12/2020 là 112.296 thành viên (tăng 27.737 thành viên, tỷ lệ tăng 28,8% so với thời điểm 31/12/2016) trong đó số thành viên là cá nhân 106.681, hộ gia đình 5.615; số lượng thành viên mới tham gia vào HTX giai đoạn 2016-2020 là 2.236; số lao động làm việc trong khu vực HTX tại thời điểm 31/12/2020 là 10.596 lao động (tăng 2.782 lao động, tỷ lệ tăng 36% so với thời điểm 31/12/2016), số lao động mới là 5.726 người.

- Đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GDP ước tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt 0,52% (tăng 8,3% so với thời điểm 31/12/2016); đóng góp của HTX tới kinh tế hộ thành viên: ước giảm chi phí đầu vào 20%.

- Tổng số vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt 1.657,533 triệu đồng, trong đó tổng số vốn đăng ký mới 612.268 triệu đồng; tăng 32,27% so với thời điểm 31/12/2015.

- Doanh thu bình quân của một HTX là 13.300 triệu đồng/năm, tăng 40% so với thời điểm 31/12/2016; lãi bình quân một HTX đạt 1.018 triệu đồng/năm, tăng 77% so với thời điểm 31/12/2016; Thu nhập bình quân của thành viên và lao động HTX năm 2020 ước đạt khoảng 78,08 triệu đồng/năm, tăng 17% so với thời điểm 31/12/2016.

- Số HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã 2012: Phân loại HTX hoạt động khá, giỏi đạt 62%; HTX hoạt động trung bình, đạt 28%; HTX hoạt động yếu cần củng cố chiếm 10%.

- Tổng số cán bộ quản lý HTX toàn tỉnh đến cuối năm 2020 ước khoảng 1.726 người (năm 2019 là 1.610 người), trong đó, số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp là 947 người đạt tỷ lệ 55%; số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 483 người, đạt tỷ lệ 28%. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý HTX, QTDND đã tham dự các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo theo quy định.

* Những hạn chế, khó khăn và vấn đề mới phát sinh của HTX hiện nay:

- Phần lớn các HTX hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, công nghệ sản xuất lạc hậu; nội dung hoạt động đơn điệu, chưa thiết thực... từ đó khó thu hút và huy động vốn từ thành viên; chưa trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho thành viên và thành viên cũng chưa thật gắn bó với HTX; thị trường đầu ra đối với sản phẩm của THT và HTX chưa ổn định; chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu,... do vậy chưa đủ sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Một số ít HTX đã có hiện tượng chạy theo mục đích gia tăng lợi nhuận mà xem nhẹ nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, chưa coi trọng việc kết nạp thêm thành viên và giải quyết lao động cho xã hội. Các HTX nông nghiệp còn có những điểm yếu chung là trong hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên chưa xây dựng được kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh mang tính khả thi; hoạt động kinh doanh, dịch vụ lợi nhuận thấp, có những HTX chưa trích lập các quỹ đầu tư phát triển, từ đó không có vốn để tái đầu tư cho sản xuất, mở rộng kinh doanh, dịch vụ; hầu hết HTX gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng vì không có tài sản thế chấp cho các khoản vay.

- Mối liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, chưa phát huy đúng mức lợi thế của từng thành phần kinh tế, từng loại hình tổ chức kinh doanh trong các chuỗi giá trị sản phẩm.

- Một số HTX vẫn còn tình trạng thành viên không góp vốn hoặc chưa góp đủ theo đăng ký, chưa tổ chức ký kết hợp đồng dịch vụ, chưa cấp giấy chứng nhận góp vốn. Một số HTX chưa bố trí kế toán để thực hiện sổ sách kế toán theo quy định hoặc công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản dẫn đến chế độ báo cáo của HTX chưa thường xuyên, việc thực hiện báo cáo tài chính, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh còn bất cập, hạn chế.

- Các HTX nông nghiệp mới chỉ bán sản phẩm dưới dạng thô mà chưa quan tâm đến dịch vụ rất quan trọng như chế biến, bảo quản nông sản, việc cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, vật tư...) còn hạn chế. Đa số các HTX chưa chú trọng đầu tư sản xuất sản phẩm sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

[...]