Kế hoạch 9237/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 thành phố Hải Phòng theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Số hiệu 9237/KH-UBND
Ngày ban hành 27/11/2014
Ngày có hiệu lực 27/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Đỗ Trung Thoại
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9237/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 27 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO SỬ DỤNG TÚI NI LÔNG KHÓ PHÂN HỦY TRONG SINH HOẠT ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 582/QĐ-TTG NGÀY 11/4/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1789/STNMT-BVMT ngày 29/9/2014, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT-Ý NGHĨA

Ni lông là một trong những polyme phổ biến nhất được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đây là loại vật liệu không thấm nước, bền vững trong tự nhiên và chính đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên này đã khiến cho túi ni lông trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường. Theo nghiên cứu, túi ni lông phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hết nhưng hiện nay hàng triệu túi ni lông vẫn được sử dụng hàng ngày tại các chợ truyền thống, các siêu thị và trung tâm thương mại để đựng thực phẩm, hàng hóa.

Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước bởi túi ni lông chôn vùi vào đất sẽ ngăn cản ô xy đi qua đất, gây xói mòn đất làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng qua đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người. Ngoài ra, túi ni lông còn gây mất mỹ quan và cảnh quan môi trường. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Do vậy, việc tăng cường công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn nói chung và đặc biệt là việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm túi thân thiện với môi trường.

- Hướng tới tăng cường sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới để sản xuất bao bì, túi xách thân thiện với môi trường.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nội dung để thực hiện trong Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013.

- Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.

- Thực hiện các nội dung của Đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sản xuất công nghiệp và bảo vệ môi trường của thành phố.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày;

- Tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2015

- Giảm 40% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2014;

- Giảm 20% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2014;

- Thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

2.2. Mục tiêu đến năm 2020

- Giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2014;

- Giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2014;

[...]