Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2023 về kiểm tra, khảo sát thực tế công tác quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa người bị bệnh tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2023
Ngày có hiệu lực 26/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, KHẢO SÁT THỰC TẾ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, GIÚP ĐỠ, PHÒNG NGỪA NGƯỜI BỊ BỆNH TÂM THẦN GÂY ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, tổng số người bị bệnh tâm thần có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 7.017 người. Tuy nhiên, công tác quản lý, giúp đỡ đối với số người bị bệnh tâm thần, gia đình có người bị tâm thần của các sở, ngành có liên quan và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, dẫn đến tình trạng người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhất là người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi giết người có xu hướng gia tăng. Từ năm 2020 đến 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ án giết người do người bị bệnh tâm thần gây ra, có vụ đối tượng thực hiện hành vi rất dã man, gây tâm lý bất an và lo lắng trong Nhân dân.

Để đánh giá những kết quả đạt được, làm cơ sở triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa người bị bệnh tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, khảo sát thực tế công tác quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa người bị bệnh tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa người bị bệnh tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh.

2. Qua kiểm tra, khảo sát kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh.

3. Công tác kiểm tra, khảo sát phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đơn vị, địa phương.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, KHẢO SÁT

1. Đối tượng

Các phòng chức năng có liên quan thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã.

2. Nội dung kiểm tra, khảo sát

a) Công tác triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh về tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đối với người bị bệnh tâm thần không đủ điều kiện chăm sóc, quản lý tại gia đình có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.

b) Công tác quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ của các ban ngành chức năng có liên quan và địa phương đối với người bị bệnh tâm thần thời gian qua, cụ thể:

- Công tác phát hiện, ngăn chặn các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự do người bị bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện bị bệnh tâm thần gây ra.

- Công tác quản lý đối với người bị bệnh tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật; biện pháp ngăn ngừa họ tiếp tục có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.

- Công tác điều tra, xử lý các vụ án do người bị bệnh tâm thần gây ra; việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho người bị bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật.

- Công tác đề nghị tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người bị tâm thần tại cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật; công tác phối hợp với UBND cấp huyện hỗ trợ, giúp đỡ người bị bệnh tâm thần không đủ điều kiện chăm sóc, quản lý tại gia đình có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.

- Công tác quản lý, cấp phát thuốc điều trị tại gia đình đối với người bị bệnh tâm thần; việc phối hợp giữa các ban ngành và địa phương trong công tác lập danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền điều trị, khám chữa bệnh đối với người bị bệnh tâm thần; việc bố trí, sử dụng kinh phí trong công tác quản lý, giúp đỡ người bị bệnh tâm thần...

3. Phương pháp kiểm tra, khảo sát

a) Các địa phương chuẩn bị báo cáo, tài liệu, hồ sơ phục vụ Tổ kiểm tra, khảo sát; các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất cụ thể (Mốc thời gian lấy số liệu từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/3/2023) theo Đề cương báo cáo gửi kèm.

b) Tổ kiểm tra, khảo sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ trực tiếp kiểm tra hồ sơ về việc triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Mục 2 Phần II Kế hoạch này.

c) Việc kiểm tra được ghi nhận bằng biên bản; tổng hợp kết quả và thông báo kết luận kiểm tra đối với từng đơn vị, địa phương.

III. THỜI GIAN, THÀNH PHẦN THAM DỰ

1. Thời gian, đơn vị kiểm tra, khảo sát

a) Thời gian kiểm tra, khảo sát: Từ ngày 16/5/2023 đến ngày 06/6/2023.

b) Đơn vị kiểm tra, khảo sát: Địa phương có xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người tâm thần gây ra thời gian qua và những địa phương có người tâm thần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (có Lịch kiểm tra cụ thể kèm theo).

2. Thành phần Tổ kiểm tra, khảo sát (theo Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh).

[...]