Kế hoạch 891/KH-UBND năm 2018 chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 891/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2018
Ngày có hiệu lực 13/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 891/KH-UBND

Kon Tum, ngày 13 tháng 04 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 5871/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động nói chung và nhân viên y tế nói riêng; nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động, chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tối thiểu có 01 cơ sở có đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động; 01 cơ sở đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp.

- Trên 80% người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về công tác sơ cứu, cấp cứu theo quy định.

- Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.

- 100% huyện, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp và môi trường lao động.

- 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm có tối thiểu 02 cơ sở làng nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động, kiểm soát bệnh nghề nghiệp.

- Trên 80% người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện cấp thẻ an toàn lao động; 80% người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và 90% an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% đơn vị, cơ sở lao động trong ngành y tế thực hiện: Lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; quan trắc môi trường lao động định kỳ hàng năm; khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.

- 100% người lao động được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc.

- 100% vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động

- Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Đầu tư, trang thiết bị phục vụ nâng cao năng lực và hiệu quả công tác kiểm tra quan trắc môi trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động.

- Tổ chức điều tra đúng thời hạn quy định đối với các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên: xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động.

- Tổ chức thống kê, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và kiện toàn cơ sở dữ liệu Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

- Triển khai xây dựng và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

2. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc

- Xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp phổ biến trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp.

[...]