Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030

Số hiệu 89/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2022
Ngày có hiệu lực 17/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 17 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa gắn với thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “Xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa, con người Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

2. Yêu cầu

Công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

1. Quan điểm

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh - xã hội; xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp thống nhất trong đa dạng, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc trưng của con người Việt Nam và phát huy phẩm chất “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” của con người Đồng Tháp ; đồng thời phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa.

2. Mục tiêu chung

Phát triển văn hóa hướng đến sự phát triển bền vững của Tỉnh nhà, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người, phù hợp với xu thế chung của đất nước trong tình hình mới.

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tiếp cận, tham gia sáng tạo văn hóa, nâng cao nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn trong tỉnh.

Từng bước đẩy mạnh hoạt động một số ngành văn hóa có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, con người Đồng Tháp đến với công chúng trong và ngoài nước.

3. Mục tiêu cụ thể: (Kèm theo Phụ lục 1)

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển văn hóa

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, địa phương và nhân dân về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân.

Ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên, ngăn ngừa các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của truyền thông đại chúng và truyền thông mới đến người dân.

2. Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện

Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống chuẩn mực, với các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có lòng tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, có thế giới quan khoa học, hướng đến chân - thiện - mỹ… đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, ứng xử, hành vi chuẩn mực văn hóa và năng lực cảm thụ nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông.

Đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của người dân thông qua hệ thống thiết chế văn hóa: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa ấp,…

Triển khai thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội; tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, nhân rộng các giá trị nhân văn, phê phán những hành vi sai trái, tiêu cực.

[...]