Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2021 về phát triển thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 89/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2021
Ngày có hiệu lực 23/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 -2025

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các Ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương, sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Phong trào TDTT quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng; số lượng gia đình và quần chúng nhân dân tham gia rèn luyện sức khỏe, tập luyện TDTT thường xuyên ngày càng tăng; thể thao thành tích cao tiếp tục giữ vững thành tích tại các giải vô địch toàn quốc hàng năm và Đại hội thể thao toàn quốc, đạt nhiều huy chương tại các giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á; công tác xã hội hóa TDTT được quan tâm triển khai thực hiện có tác động tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt, huy động được tiềm năng, nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo phục vụ các hoạt động TDTT, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Thể dục, thể thao cho mọi người:

- Phong trào TDTT quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng; số lượng người tham gia rèn luyện sức khỏe, tập luyện TDTT thường xuyên ngày càng tăng; hình thức, nội dung tập luyện, thi đấu TDTT phong phú, gắn liền với các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia hàng năm, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và mang lại lợi ích thiết thực nâng cao sức khoẻ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Các chỉ tiêu về TDTT cho mọi người đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đến năm 2020, có trên 28% gia đình thể thao và 37% dân số tập luyện TDTT thường xuyên. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống được duy trì và phát triển.

- Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học ngày càng phát triển, dần đi vào nề nếp; chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể lực, xây dựng nếp sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn, giáo dục nhân cách lối sống, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, góp phần đào tạo năng khiếu, phát hiện các tài năng thể thao. Đội ngũ giáo viên, giảng viên TDTT ở các trường học thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn từng bước đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Công tác rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang đã đi vào nề nếp và được kiểm tra thường xuyên theo định kỳ hàng năm, đảm bảo cho các cán bộ, chiến sĩ có thể lực tốt, chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh xã hội; lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện và thi đấu cho cán bộ, chiến sĩ; tích cực tham gia các hoạt động TDTT do các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tổ chức;

- Phong trào TDTT trong cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động luôn được quan tâm và ngày càng phát triển. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự giác luyện tập TDTT ngày càng đông. Các hoạt động TDTT được mọi người thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu giao lưu đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, đoàn kết, nâng cao thể lực và sức khỏe góp phần phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

- Phong trào TDTT người cao tuổi phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Một số hoạt động TDTT của người cao tuổi thu hút đông các cụ tham gia là: Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Bóng chuyền hơi, Cầu lông, Bóng bàn... Song song với phát triển phong trào TDTT người cao tuổi, tỉnh cũng luôn quan tâm đến hoạt động TDTT của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động TDTT nhằm khuyến khích và động viên những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

- Một số chỉ tiêu về TDTT cho mọi người đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 (phụ lục 1).

2. Thể thao thành tích cao:

- Thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, phát triển phù hợp với xu thế của cả nước; một số môn thể thao truyền thống của tỉnh đã đạt trình độ cao so với trong nước, số vận động viên được đào tạo hàng năm đều tăng lên: Năm 2015 đào tạo 423 HLV, VĐV đến năm 2020 là 538 HLV, VĐV (phụ lục 2).

- Thành tích đã có bước đột phá, tham gia giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt những kết quả đáng khích lệ, đã có nhiều vận động viên đạt huy chương vàng ở giải thể thao Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Trung bình hàng năm cử trên 400 lượt vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế, đạt từ 350 - 400 huy chương, trong đó đạt 10 - 15 huy chương quốc tế (phụ lục 3).

- Đạt chỉ tiêu 12 hạng đầu toàn đoàn tại Đại hội thể thao toàn quốc 2014, 2018 (đạt chỉ tiêu: 2014 hạng 11; 2018 hạng 13).

- Chỉ tiêu 5 hạng đầu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2015, 2019 (đạt chỉ tiêu 2015 hạng 5; 2019 dời do dịch Covid - 19).

- Giữ vững thế mạnh các môn thể thao: Bóng đá trẻ, Đá cầu, Xe đạp, Judo, Bi sắt, Cờ vua, Karate.

- Đạt chỉ tiêu phát triển các môn tiềm năng: Taekwondo, Cầu mây, Bắn cung, riêng 02 môn Bóng bàn và Quần vợt không đạt.

- 02 môn thể thao cơ bản là Điền kinh và Bơi lội chưa đạt chỉ tiêu.

3. Xã hội hóa thể thao:

Hiện toàn tỉnh có 01 nhà thi đấu, 05 nhà tập, 154 sân bóng đá 5 người cỏ nhân tạo, 06 sân quần vợt, 19 hồ bơi cố định, 40 phòng tập thể thao, còn lại rất nhiều sân bãi TDTT do tư nhân đầu tư với qui mô nhỏ như: sân bóng chuyền, sân cầu lông, bóng bàn, bi da, phòng tập thẩm mỹ - thể hình. Ngoài việc đầu tư các công trình văn hoá, thể thao, hàng năm các cá nhân, tổ chức đã đóng góp, tài trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT ước hàng chục tỷ đồng. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao thành tích cao bước đầu đã tạo được động lực góp phần phát triển thể thao và huy động nguồn lực hỗ trợ công tác đào tạo và tham dự các giải thể thao như: Xe đạp và Bóng đá hạng nhất quốc gia, bình quân mỗi năm đạt gần 20 tỉ đồng (Công ty Cổ Phần phát triển Bóng đá Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp và Công ty Cổ phần XNK Y tế Domesco).

4. Hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao:

- Cấp tỉnh: Có 01 sân vận động, 01 nhà thi đấu đa năng, 2 hồ bơi (01 hồ 50m và 01 hồ 25m), 01 nhà tập luyện các môn võ. Hiện chỉ có nhà tập các môn võ mới được xây dựng, các công trình còn lại xây dựng từ năm 2000 đã xuống cấp nghiêm trọng, đang được tiến hành duy tu, sửa chữa.

- Cấp huyện: Chưa có khu trung tâm thể thao nào được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh (gồm 3 công trình: nhà thi đấu, sân bóng đá 11 người và hồ bơi), hầu hết chỉ có 01 sân bóng đá 11 người nhưng cũng chưa đủ chuẩn (mặt bằng sân còn thấp chưa có hệ thống thoát nước khi mùa mưa lũ), riêng huyện Tam Nông và huyện Cao Lãnh chưa có sân bóng đá 11 người. Các huyện Lai Vung, Tháp Mười và Lấp Vò có thêm 1 nhà tập luyện, thi đấu TDTT; hiện các công trình văn hoá, TDTT về cơ bản phục vụ được một phần nhu cầu tập luyện, thi đấu các giải thể thao cấp huyện, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều công trình chưa đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Cấp xã: Các công trình văn hoá, thể thao cấp xã chủ yếu là các sân tập, phòng tập TDTT đơn giản. Hiện có: 27 sân bóng đá 11 người do nhà nước quản lý, các sân bãi còn lại hầu hết đều do tư nhân tự đầu tư khai thác theo phương thức cung ứng dịch vụ TDTT (phụ lục 4).

[...]