Kế hoạch 847/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Gia Lai năm 2018

Số hiệu 847/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2018
Ngày có hiệu lực 26/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Đức Hoàng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 847/KH-UBND

Gia Lai, ngày 26 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH GIA LAI NĂM 2018

Phần I

ĐÁNH GIÁ CHUNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NĂM 2017

1. Kết quả thực hiện được trong năm 2017:

Năm 2017, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy ban hành Chương trình 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 về phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đã xây dựng nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, có sự giám sát triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó nhiệm vụ phát triển du lịch bước đầu đã củng cố được công tác quy hoạch, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về du lịch, các địa phương đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động du lịch của tỉnh, vai trò tham mưu về hoạt động du lịch đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ hiện nay của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng của du lịch đạt 22%, vượt kế hoạch du lịch đề ra[1].

Thực hiện tốt công tác nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch thông qua việc tổ chức 04 hội nghị phổ biến, lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, người lao động ngành du lịch (Nghị quyết 08-NQ/TW, chương trình 43-CTr/TU, Quyết định 116/QĐ-UBND, Luật Du lịch năm 2017, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch); hầu hết các địa phương đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020[2], một số địa phương còn lại do điều kiện về tiềm năng du lịch chưa thuận lợi nên còn xem xét trong việc xây dựng kế hoạch du lịch. Đồng thời công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực du lịch được quan tâm thực hiện[3].

Đã triển khai các quy hoạch chi tiết và dự kiến hoàn thành trong năm 2018, gồm các quy hoạch sau: Quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch Hồ Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo). Xây dựng một số đề án về du lịch, trong đó một đề án đã hoàn thành và còn lại đang tiếp tục triển khai trong năm 2018[4].

Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương được triển khai có hiệu quả, đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 với các địa phương Hà Nội, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên....; tổ chức đón các đoàn Famtrip (khảo sát du lịch) của Sở Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, báo, đài của các địa phương Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An; xây dựng sản phẩm chung của 03 tỉnh “Đăk Lăk - Gia Lai - Kon Tum, Tây Nguyên đại ngàn”.

Những địa phương có tiềm năng về du lịch cũng đã đẩy mạnh tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch của các địa phương, ban đầu cũng thu được một số kết quả rất đáng khích lệ[5].

2. Một số hạn chế, tồn tại:

Công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng, quan tâm đầu tư và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển, tuy nhiên trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như:

- Tỉnh Gia Lai chưa có Khu du lịch nào đảm bảo các dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng ... đủ sức hấp dẫn thu hút khách lưu lại dài ngày. Một số địa điểm danh lam thắng cảnh, công trình xây dựng, công viên, các điểm có hoạt động du lịch nhưng lại thiếu dịch vụ và chất lượng phục vụ chưa đảm bảo, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

- Vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch được quan tâm nhưng còn nhỏ lẻ, dàn trải qua nhiều năm nên hiệu quả thu hút đầu tư từ doanh nghiệp không cao. ... Chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực vào lĩnh vực du lịch.

- Chính sách đất đai ưu tiên cho đầu tư du lịch chưa hấp dẫn với doanh nghiệp; công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế, một số doanh nghiệp chỉ mới đăng ký xây dựng dự án, chưa có doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư du lịch...

- Công tác quản lý, tham mưu của ngành và địa phương về du lịch còn yếu, đội ngũ làm công tác về du lịch còn hạn chế về chuyên môn và lực lượng mỏng. Còn bị động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động du lịch trong tỉnh về mặt thời gian và quy mô tổ chức, dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch.

- Kinh phí sự nghiệp cho hoạt động du lịch còn hạn chế, chủ yếu phục vụ một số nhiệm vụ về tổ chức các hội nghị, khảo sát, tham gia một số hội chợ du lịch và tổ chức các sự kiện trong tỉnh.

- Doanh nghiệp du lịch trong tỉnh còn yếu về năng lực kinh doanh và quy mô nhỏ, nguồn lao động du lịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ.

3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Xuất phát điểm của ngành du lịch Gia Lai thấp, đóng góp về du lịch cho GNDP của tỉnh không đáng kể (gần 3%). Hệ thống cơ sở hạ tầng đến các điểm có tài nguyên du lịch còn khó khăn, chưa được đồng bộ. Cơ sở vật chất của ngành du lịch tập trung chủ yếu vào khối khách sạn có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, việc đẩy nhanh hoạt động du lịch phát triển gặp nhiều khó khăn.

+ Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng biển đang chiếm ưu thế, đặc biệt đối với du lịch nội địa, nên Gia Lai có những hạn chế trong việc thu hút đầu tư cũng như thu hút khách đến tham quan nghỉ dưỡng.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về phát triển du lịch chưa được đồng bộ. Tư duy về phát triển du lịch chưa kịp đổi mới để phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch của mỗi địa phương.

+ Sự phối hợp giữa các ngành chưa được chặt chẽ trong việc hỗ trợ hoạt động du lịch phát triển.

+ Cán bộ làm công tác du lịch còn mỏng và yếu từ cơ quan chuyên môn của tỉnh đến địa phương (huyện, thị xã, thành phố) nên công tác tham mưu về du lịch chưa được kịp thời.

+ Công tác liên kết, hợp tác phát triển về du lịch với các tỉnh thành chưa phát huy hiệu quả, chưa xây dựng được các sản phẩm chung, công tác hỗ trợ quảng bá vẫn còn hạn chế.

+ Kinh phí tỉnh còn hạn hẹp để ưu tiên đầu tư hạ tầng, chưa tạo hành lang thuận lợi để thu hút đầu tư dự án du lịch, nên Gia Lai chưa thu hút được dự án du lịch tầm cỡ khu vực và quốc gia để tạo điểm nhấn của tỉnh.

[...]