Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2014 về Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 18/07/2014
Ngày có hiệu lực 18/07/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 7 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA LẠM DỤNG ĐỒ UỐNG CÓ CỒN ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực quản lý chất lượng, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

b) Giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành (15 tuổi trở lên)/năm quy đổi theo rượu nguyên chất, mỗi năm giảm từ 1-2%; giai đoạn 2013-2016 còn 10% và giai đoạn 2017 - 2020 còn 6,5%.

c) Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực.

d) Phòng ngừa người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

đ) Đến năm 2016, 60% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác và 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 80% và 60%.

e) Đến năm 2016, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện tại bệnh viện và chống tái nghiện tại cộng đồng, 10% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 30%, 20% và 15%.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác

a) Thông tin, giáo dục, truyền thông:

- Tập huấn kiến thức chuyên môn về tác hại khi sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác và các văn bản vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) cho cán bộ quản lý từ cấp xã đến cấp tỉnh;

- Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; về quyền của trẻ em không bị ép buộc hoặc khuyến khích sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; vận động, thuyết phục người dân không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; không ép buộc, khuyến khích người khác sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông không được có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá mức quy định;

- Lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học, bậc học; chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên về tuổi được phép mua, được phép uống rượu, bia và đồ uống có cồn khác; kỹ năng từ chối uống rượu, bia và đồ uống có cồn khác; tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe và xã hội;

- Thông tin, giáo dục, truyền thông trong cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương phải được tiến hành đồng bộ để cảnh báo về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, chuyển tải thông điệp uống rượu, bia và đồ uống có cồn khác hợp lý đến với mọi người dân.

b) Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện người lạm dụng và thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Chủ động tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong cộng đồng dễ dàng được tiếp cận các dịch vụ can thiệp sớm, điều trị cai nghiện tại các bệnh viện và phòng, chống tái nghiện.

c) Triển khai các biện pháp dự phòng đặc biệt cho các nhóm có nguy cơ cao như: Trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; sàng lọc và điều trị can thiệp sớm đối với người đã lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác thông qua việc cung cấp các dịch vụ chẩn đoán, điều trị (về sức khỏe tâm thần, các bệnh mãn tính, cai nghiện); chăm sóc liên tục với sự tham gia của nhân viên y tế và nhóm đồng đẳng.

d) Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác của các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây ra.

đ) Đẩy mạnh sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, xã hội và cộng đồng phòng ngừa và ngăn chặn các vi phạm pháp luật về trật tự xã hội và tội phạm do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây ra.

2. Giải pháp về kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác

a) Kiểm soát việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác;

- Tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đo uống có cồn khác vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tổ chức, giám sát việc thực hiện.

[...]