Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2017
Ngày có hiệu lực 28/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 28 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Đề án “Thí điểm, hoàn thiện và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”;

Căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính V/v hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp;

Căn cứ Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh Hậu Giang V/v triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp năm 2018, cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

1. Tình hình chung:

Đến nay, toàn tỉnh có 133 hợp tác xã (sau đây viết tắt là HTX) và 01 liên hiệp HTX, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành: 32 HTX (24,8%), huyện Châu Thành A: 24 HTX (18,6%), huyện Vị Thủy: 19 HTX (14,7%). Với 2.370 thành viên, bình quân khoảng 18 thành viên/HTX. Vốn điều lệ đăng ký là 70.712 triệu đồng, bình quân 531,67 triệu đồng/HTX. Hoạt động của các HTX chủ yếu ở các khâu dịch vụ như: bơm tưới, làm đất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phục vụ sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ,... Một số HTX nông nghiệp đã chủ động kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, mở thêm ngành nghề kinh doanh, thương mại, xây dựng,...

2. Hiệu quả hoạt động:

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố đã phần nào hỗ trợ và giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát và tổ chức lại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Công tác tuyên truyền về Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được đẩy mạnh, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về tầm quan trọng và vai trò của HTX, nhất là trong phát triển nông nghiệp; hệ thống cơ sở pháp lý và các chính sách khuyến khích phát triển HTX đang dần từng bước được hoàn thiện hơn, giúp cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ dễ dàng hơn; nhiều HTX nông nghiệp đã bước đầu mở rộng được các dịch vụ cơ bản phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, số HTX nông nghiệp hoạt động tổng hợp có xu hướng tăng và hoạt động có hiệu quả hơn. Sự gắn bó, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa ngày càng nhiều.

- Với sự hỗ trợ của các sở ngành những năm qua nhiều HTX đã áp dụng quy trình sản xuất VietGap, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng tiêu thụ hàng hóa với các doanh nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà. Thông qua hoạt động, các HTX đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa, trong kinh doanh, mà nó còn giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn, góp phần trong chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

- Công tác xây dựng mô hình liên kết và xây dựng cánh đồng lớn được chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt nên bước đầu đã tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, HTX triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết, cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; một số dự án như: dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), dự án Pilot thuộc dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển vùng đồng bằng Sông Cửu Long (WB6), Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ,.. đều quan tâm phát triển tổ chức hợp tác, là điều kiện thuận lợi để giúp các HTX hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

3. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân:

3.1. Hạn chế, tồn tại:

- Vẫn còn tình trạng một số ít HTX thực hiện đăng ký lại hoạt động một cách hình thức, các HTX tuy đã chuyển đổi nhưng vẫn hoạt động theo phương thức cũ. Đa số HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng...; còn các dịch vụ rất quan trọng như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít, hiện mới chỉ có khoảng 10% số HTX thực hiện việc bao tiêu một phần nông sản cho nông dân.

- Bên cạnh đó, theo quy định, tỷ lệ cung ứng đối với ngoài thành viên không được vượt quá 32%, khiến cho các HTX muốn phát triển lại không thể mở rộng hoạt động, giảm doanh thu; nếu HTX có ít thành viên thì việc phát triển HTX sẽ gặp khó khăn; trong hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý; hoạt động kinh doanh, dịch vụ lợi nhuận thấp, không trích lập các quỹ, từ đó không có vốn tích lũy tái đầu tư cho sản xuất, mở rộng kinh doanh, dịch vụ; nhiều HTX không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng vì không có tài sản riêng để thế chấp cho các khoản vay; đa số các HTX đều không có trụ sở làm việc, nếu có thì mượn nhà của thành viên Hội đồng quản trị hoặc mượn Nhà thông tin ấp, khu vực; các mặt hàng nông sản của HTX làm ra tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo chất lượng và ổn định về số lượng do việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế như: diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên cây trồng, vật nuôi còn rất ít, số lượng HTX xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, hầu hết các sản phẩm của HTX chưa được đóng gói, bao bì… cho nên chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như người tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.

3.2. Nguyên nhân:

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 đôi lúc còn lúng túng, chồng chéo trong chỉ đạo và thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý Nhà nước về HTX chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức của một số Cấp ủy đảng, chính quyền ở các sở, ban, ngành, địa phương và một số cán bộ, Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò và vị trí HTX chưa cao. Thiếu nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính hỗ trợ phát triển các HTX. Vẫn còn một số cơ chế, các chính sách đã ban hành chất lượng chưa cao, nhiều chính sách phù hợp đã được ban hành nhưng không có nguồn lực, tài chính để hỗ trợ, thực hiện.

- Sự phân công nhiệm vụ quản lý Nhà nước về HTX giữa các cơ quan, ban, ngành (cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã) chưa thật sự rõ ràng, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan. Việc giám sát, kiểm tra và xử lý những sai phạm trong việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 (không tổ chức đại hội thành viên hàng năm, các HTX đã ngừng hoạt động trên 01 năm không giải thể...) chưa được xử lý thường xuyên, kiên quyết. Có sự lúng túng trong nhận thức của cán bộ và người dân về mô hình hoạt động của HTX. Các quy định về tổ chức hoạt động, tài sản và sở hữu đối với tài sản của HTX và của từng thành viên, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX và đặc biệt là trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các sở, ngành đối với HTX còn chung chung gây tâm lý e ngại cho người dân khi tham gia HTX.

- Tình hình vốn, quỹ của các HTX còn khó khăn, mức vốn chủ sở hữu bình quân của các HTX thấp. Đa số các HTX thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh; các HTX rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong khi đó việc huy động vốn từ thành viên khó khăn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của HTX. Nhiều HTX thiếu chủ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ quản lý của các HTX còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay; khả năng mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế nhất định; hoạt động của các HTX thiếu sự liên doanh, liên kết trong hệ thống với nhau cũng như với các thành phần kinh tế khác, nhất là việc ký kết hợp đồng bao tiêu hàng hóa nông sản cho các hộ thành viên.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện các nội dung Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Hậu Giang V/v phê duyệt “Đề án về nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hoạt động của HTX, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng địa phương, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Yêu cầu:

Các nội dung hỗ trợ trong Kế hoạch phải thực hiện đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ trong xây dựng và phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh.

[...]