Kế hoạch 8016/KH-UBND năm 2020 về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 8016/KH-UBND
Ngày ban hành 01/10/2020
Ngày có hiệu lực 01/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8016/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 01 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

SỐ HÓA KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

I. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được bắt đầu triển khai từ năm 2015, Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến và được kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh có địa chỉ truy cập là https://dichvucong.lamdong.gov.vn/. Cụ thể: Đã triển khai tại 20/20 cơ quan cấp tỉnh, 12/12 cơ quan cấp huyện, 142/142 cơ quan cấp xã.

Thông qua hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, đến nay các đơn vị cấp tỉnh cung cấp được 1.456 thủ tục, các đơn vị cấp huyện cung cấp 318 thủ tục; các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn cung cấp 161 thủ tục.

Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, tính trung bình/năm có khoản 1 triệu hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát sinh, phần lớn các kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được lưu trữ ở dạng giấy tại các đơn vị theo thẩm quyền quản lý.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm tối ưu không gian lưu trữ, tránh việc mất, nhàu nát tài liệu trong quá trình lưu trữ; tài liệu lưu trữ, quản lý vĩnh viễn; giảm thời gian tìm kiếm tài liệu; truy xuất, chia sẻ hay tìm kiếm tài liệu dược dễ dàng, nhanh chóng; tăng cường khả năng bảo mật, giảm tối đa chi phí cho việc quản lý.

Việc số hóa kết quả thủ tục hành chính từ giấy sang dữ liệu điện tử để lưu trữ vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Nhằm đáp ứng việc sử dụng lại và chia sẻ các loại giấy tờ khi người dân đến giao dịch với cơ quan nhà nước.

Nhằm đồng bộ vào Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Ngoài ra việc số hóa kết quả thủ tục hành chính còn làm cơ sở để phục vụ cho việc chuyển đổi số.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2021: Có ít nhất 30% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được số hóa.

- Năm 2022: Có ít nhất 60% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được số hóa.

- Năm 2023: Có ít nhất 90% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được số hóa.

- Năm 2024: Đạt 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được số hóa.

3. Yêu cầu:

3.1 Yêu cầu chung:

Từ năm 2021 trở đi, kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải có bản điện tử và được lưu tại kho dữ liệu số của từng cá nhân, tổ chức. Kho dữ liệu số được xây dựng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Số hóa tất cả kết quả TTHC còn hiệu lực của tất cả các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ưu tiên số hóa kết quả giả quyết TTHC của những thủ tục cấp tỉnh đang được cung cấp trực tuyến.

3.2. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử phải bảo đảm:

- Phản ánh đầy đủ các nội dung kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được quy định;

- Có chữ ký số của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính;

- Bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử;

[...]