Kế hoạch 791/KH-UBND năm 2015 tổ chức thực hiện Quyết định 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu | 791/KH-UBND |
Ngày ban hành | 10/12/2015 |
Ngày có hiệu lực | 10/12/2015 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Lê Xuân Đại |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 791/KH-UBND |
Nghệ An, ngày 10 tháng 12 năm 2015 |
Thực hiện Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 2195);
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tài chính vi mô; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị này (nếu có nhu cầu) thành lập chương trình, dự án tài chính vi mô nhằm hỗ trợ, cung ứng kịp thời nguồn vốn với chi phí hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế, góp phần thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới (từ nay đến hết năm 2015), Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn báo cáo kịp thời chương trình, dự án tài chính vi mô phát sinh do các đơn vị này quản lý và hướng dẫn chuyển đổi các hoạt động tài chính vi mô này theo mô hình tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.
Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm được xác định theo Quyết định số 2195 đối với UBND tỉnh, thành phố đến năm 2020, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch yêu cầu các Sở, ngành liên quan triển khai, tổ chức thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích:
Quán triệt đầy đủ nhận thức việc xây dựng phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ vốn cho người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ để phục vụ phát triển kinh tế nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời có những giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật, điều chỉnh, chuyển đổi định hướng cho tổ chức tài chính vi mô phát triển an toàn, bền vững trên cơ sở pháp lý đầy đủ.
2. Yêu cầu:
Quán triệt, triển khai đầy đủ Quyết định số 2195/QĐ-TTg đến các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã, các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tăng cường phổ biến kinh nghiệm và các mô hình hoạt động tài chính vi mô hiệu quả.
- Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tiếp tục thành lập chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn nhằm đẩy lùi hoạt động cho vay dưới các hình thức: phường, họ, hụi, vay nặng lãi trong dân cư.
- Tiếp tục hướng dẫn các chương trình, dự án tài chính vi mô phát sinh trên địa bàn chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.
- Hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đảm bảo các hoạt động tài chính vi mô an toàn, bền vững.
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nghệ An:
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi tắt là tổ chức xã hội) để nắm bắt kịp thời chương trình, dự án tài chính vi mô do các đơn vị này quản lý và hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô theo quy định.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính vi mô được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật trên cơ sở Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tài chính vi mô để góp phần đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả.
- Phối hợp với các Sở, Ngành, tổ chức xã hội và UBND các huyện, thành phố và thị xã trong việc đề xuất kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động tài chính vi mô.
- Làm đầu mối tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này và tình hình hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn.
b) Sở Tài chính:
- Hướng dẫn các tổ chức tài chính vi mô thực hiện cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động tài chính vi mô.
- Đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế về tín dụng ưu đãi đảm bảo phục vụ đúng đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác.