Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2024 sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21-KL/TW do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 78/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2024
Ngày có hiệu lực 23/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

SỬA CHỮA, KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM SAU KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH NĂM 2023 GẮN VỚI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII, KẾT LUẬN SỐ 21-KL/TW NGÀY 25/10/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

Thực hiện Kế hoạch số 450-KH/TU ngày 01/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sửa chữa, khắc phục, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thống nhất nhận thức, hành động, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra tại Kế hoạch số 450-KH/TU ngày 01/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc và nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị.

2. Tổ chức thực hiện việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm nghiêm túc, có hiệu quả. Phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan, đơn vị; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về khắc phục hạn chế, khuyết điểm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội có lĩnh vực, nhiệm vụ hiệu quả chưa cao; còn có 02 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra

1.1. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra; tập trung hoàn thành 02 chỉ tiêu năm 2023 chưa đạt kế hoạch và chỉ tiêu thành phần đạt kết quả thấp.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội hằng quý, 6 tháng và cả năm 2024. Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2024; triển khai đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Kế hoạch phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá cụ thể kết quả, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, 6 tháng và cả năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

1.3. Sở Thông tin và Truyền thông

Tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu nâng thứ hạng của tỉnh Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số đứng thứ 35 của cả nước. Tham mưu ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Triển khai mạng diện rộng (WAN) của tỉnh để kết nối các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phục vụ triển khai các hệ thống, phần mềm dùng chung của tỉnh; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu; tiếp tục hoàn thiện và sử dụng hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Tuyên Quang đáp ứng các yêu cầu thực tế. Tham mưu thực hiện đầy đủ các bước, giải pháp trong việc giám sát an toàn thông tin mạng các hệ thống thông tin của tỉnh.

1.4. Sở Tài chính

Tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024, năm 2025; tập trung theo dõi tình hình thu chi ngân sách; triển khai quyết liệt công tác thu, chú trọng quản lý thu đối với các khoản thu không đạt kế hoạch năm 2023; thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu thuế trên địa bàn tỉnh, bao quát đầy đủ các nguồn thu ngân sách, đảm bảo thu đủ, thu đúng, thu kịp thời mọi khoản thu vào ngân sách nhà nước; hằng tháng đánh giá tình hình và kết quả thu ngân sách trên địa bàn để kịp thời tham mưu các biện pháp chỉ đạo tăng cường công tác thu đối với từng sắc thuế, từng khoản thu, từng địa bàn cụ thể, phấn đấu hoàn thành tốc độ dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

1.5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động trích nộp bảo hiểm xã hội theo quy định; công khai danh tính các đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên trên theo quy định. Quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao. Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa hình thức truyền thông trên trang thông tin điện tử, Fanpage, facebook, Zalo OA của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Tích cực triển khai ứng dụng VssID (bảo hiểm xã hội số) cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

2. Về khắc phục hạn chế, khuyết điểm: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch tuy tiếp tục phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có sự bứt phá

2.1. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

2.1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hoàn thiện Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ và triển khai thực hiện đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hỗ trợ nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, chủ động chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường tín chỉ các bon. Hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và phát triển thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh; ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh nông sản Tuyên Quang.

Tích cực huy động nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu năm 2024, tạo chuyển biến nâng cao các tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí: Tổ chức sản xuất, thu nhập, bảo vệ môi trường ở nông thôn. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới đúng tiến độ; củng cố và nâng cao tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đôn đốc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét, công nhận các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.

2.1.2. Sở Khoa học và Công nghệ

Ưu tiên thực hiện đề tài, dự án sản xuất hàng hoá có quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nghiên cứu, ứng dụng trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, các sản phẩm chủ lực của tỉnh (chè, cam, bưởi, gỗ rừng trồng, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, cá đặc sản...). Hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc trưng của tỉnh, hướng tới phát triển một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài (chè, gỗ rừng trồng...); chú trọng quản lý, phát triển để phát huy được giá trị thương mại của sản phẩm, hàng hóa sau khi được cấp văn bằng bảo hộ. Quản lý, theo dõi và đôn đốc thực hiện Dự án xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Chiêm Hóa cho sản phẩm thịt Trâu của huyện Chiêm Hóa, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký (phấn đấu năm 2024 dự án được cấp văn bằng bảo hộ).

2.1.3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

2.2. Về du lịch

[...]