Kế hoạch 768/KH-UBND năm 2022 về giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 768/KH-UBND
Ngày ban hành 07/11/2022
Ngày có hiệu lực 07/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 768/KH-UBND

Nghệ An, ngày 07 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc quy định quy trình giám sát, đánh giá Chương trình mục quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Chương trình) đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia thực hiện Chương trình.

- Kịp thời nắm bắt tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình, phát huy kết quả đạt được và những mặt tích cực; đồng thời phát hiện những yếu kém, tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ đảm bảo thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, dự án, tiểu dự án phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

2. Yêu cầu

- Công tác giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của các Dự án, Tiểu dự án của Chương trình; bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý những tồn tại, hạn chế và các vấn đề khác phát hiện sau kiểm tra, giám sát.

- Hoạt động giám sát, đánh giá phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra, giám sát khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định.

- Công tác giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Đối tượng

a) Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan được giao chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

b) UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

c) UBND cấp xã và người dân là đối tượng hưởng lợi từ dự án đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.

2. Thời gian

- Thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025

- Đối với công tác kiểm tra, giám sát: Thời gian thực hiện định kỳ 3 tháng, 6 tháng, năm theo kế hoạch hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền.

- Đoàn kiểm tra, giám sát gồm: Lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và các các sở, ngành có liên quan khác nếu thấy cần thiết; Đối với Đoàn liên ngành tùy theo tình hình cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ công việc cấp thiết để thành lập.

- Đối với công tác đánh giá: Đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc giai đoạn 5 năm, đánh giá tác động; đánh giá đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

III. NỘI DUNG, QUY TRÌNH GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nội dung, quy trình theo dõi Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 01/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc.

2. Nội dung, quy trình kiểm tra thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 01/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc.

3. Nội dung, quy trình đánh giá thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 01/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc.

[...]