Kế hoạch 767/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 767/KH-UBND
Ngày ban hành 07/05/2020
Ngày có hiệu lực 07/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 767/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2020-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030” như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

- Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

- Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động áp dụng truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

- Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, trong đó chú trọng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm của chương trình OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu từ sản xuất sản phẩm, hàng hóa đến tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn năm 2020 - 2025:

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan nhằm nâng cao nghiệp vụ, đảm bảo nguồn lực để tổ chức, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên, theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực và theo yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức của xã hội về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa.

- Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng.

- Rà soát các văn bản, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Triển khai thí điểm xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại 07-10 đơn vị đối với các sản phẩm: Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; rau, củ, quả tươi; mật ong, gạo, tỏi, khoai gieo, nước mắm. Trên cơ sở đó nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực y tế, các sản phẩm, hàng hóa ưu tiên theo yêu cầu quản lý và theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Tối thiểu 30% sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

- Nghiên cứu xây dựng, áp dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

b) Định hướng đến năm 2030

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo tối thiểu 70% các các sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã số mã vạch tại tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc đủ điều kiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

- Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh; kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh và trong nước.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các hoạt động truy xuất nguồn gốc

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, vận động người sản xuất, doanh nghiệp áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; giúp các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ về lợi ích của việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các giải pháp truy xuất nguồn gốc kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia.

[...]